Cái Tết “3 không” của nhiều người trẻ

CTG - Trong bối cảnh thị trường kinh tế khó khăn, để bảo toàn và tránh tình trạng “cháy ví” trong dịp Tết, chính sách "3 không" bao gồm: Không sắm sửa, né tiệc tùng và bớt quà cáp đang được nhiều người trẻ tích cực áp dụng.

Không sắm sửa, né tiệc tùng

Những ngày này, cứ mỗi 5 - 10 phút, Hải Yến (24 tuổi, sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại kiểm tra tin nhắn trên mạng xã hội từ điện thoại xem đã có ai nhắn tin hỏi mua đồ thanh lý hay chưa. Cô gái trẻ đã đăng bài lên trang cá nhân và nhiều hội nhóm trong vài ngày qua, nhưng tình hình không mấy khả quan. Dù để mức giá "rẻ như cho" nhưng tốc độ thanh lý đồ của Hải Yến khá chậm.

Nguồn thu nhập bị cắt giảm là một trong những lý do chính khiến Hải Yến dè dặt chi tiêu dịp Tết
Nguồn thu nhập bị cắt giảm là một trong những lý do chính khiến Hải Yến dè dặt chi tiêu dịp Tết

“Vào giờ này những năm trước, mình đã sắm đủ thứ mới, từ áo quần cho đến làm tóc, làm nail. Năm nay, mình chưa có dự định gì cụ thể, chỉ muốn thanh lý bớt tủ quần áo để có thêm tiền tiêu xài", Hải Yến nói.

Hải Yến cho biết tình trạng tài chính cá nhân của cô năm qua được gói gọn trong 2 từ "eo hẹp". Không những thu nhập bị cắt giảm, cô gái trẻ cũng mới chỉ nhận được một phần khoản tiền thưởng Tết. Số còn lại sẽ được công ty gửi nốt sau khi kỳ nghỉ lễ kết thúc.

Không đến mức “cạn tiền” nhưng nữ nhân viên văn phòng muốn hạn chế tiêu pha trong giai đoạn này. Đây là cả một nỗ lực của một người đam mê mua sắm như cô. Thay vì sắm đồ mới, Hải Yến tận dụng những váy áo cũ và phối lại, đồng thời làm sạch một lượt giày, dép đang sở hữu.

Cái Tết “3 không” của nhiều người trẻ
Với tâm lý "xả hơi" sau một năm làm việc vất vả, nhiều người trẻ sẽ khó tránh khỏi cảnh "vung tay quá trán"

Được công ty thông báo không có thưởng Tết, Nguyễn Trang (25 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) quyết định cắt giảm nhiều khoản chi liên quan đến mua sắm, làm đẹp.

Khác với mọi năm, cô gái trẻ quyết định đổi sang mua áo dài may sẵn trên sàn thương mại điện tử, với mức giá chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng, bằng 1/10 chi phí áo dài may đo tại các tiệm vẫn thường may. Đương nhiên, Nguyễn Trang đành "nhắm mắt cho qua" về chất lượng và kích thước trang phục.

Dịp Tết 2024, nữ nhân viên văn phòng đã dành hơn 2 triệu đồng để "đảo ngói", gồm nhuộm và phục hồi tóc. Trong khi năm nay, cô đặt mua thuốc nhuộm trực tuyến, với mức giá khoảng 50.000 đồng/set, và tự làm tóc tại nhà. Ngoài ra, Nguyễn Trang cũng quyết định không đặt lịch làm móng, nối mi, cho rằng những khoản tiêu pha này không cần thiết.

Dịp Tết năm nay, bạn bè ai nấy ngạc nhiên khi không thấy Hoàng Đức (25 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) hô hào, kêu gọi bạn bè tụ tập, ăn chơi. Trước đó, chàng trai trẻ luôn là người tiên phong, chủ trì các buổi tụ tập nhóm.

Sự thay đổi này xảy ra kể từ khi anh nghỉ việc vào cuối tháng 11 năm 2024. Điều này đồng nghĩa rằng Hoàng Đức sẽ không có thu nhập, cũng như các khoản phúc lợi như lương tháng 13, thưởng Tết.

Hoàng Đức “né” các cuộc vui để tiết kiệm chi phí những ngày cận Tết
Hoàng Đức “né” các cuộc vui để tiết kiệm chi phí những ngày cận Tết

Để "né" các cuộc vui, Hoàng Đức đành lấy lý do về quê ăn Tết sớm. Chàng trai trẻ không muốn chia sẻ khó khăn tài chính, ngại nhận khoản thanh toán hộ hoặc cho vay từ bạn bè. “Mình vẫn chưa tìm được công việc phù hợp để đi làm sau Tết. Nếu vay bây giờ, tôi không chắc có thể trả sớm”, Hoàng Đức bày tỏ.

Tương tự, Đức Hùng (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết Tết này sẽ không lặp lại cảnh "người đầy men bia" như các năm trước. "Hầu như tết năm nào cũng uống bia. Khách đến nhà, mình mời bia. Mình đi chúc Tết, cũng được mời bia. Chưa kể những dịp họp lớp cũng phải uống. Có khi người chỉ mệt mệt. Nhưng có lúc say bí tỉ", Đức Hùng nhớ lại.

Chàng trai 27 tuổi cũng cho rằng ngày Tết nên tỉnh táo để có thể chúc những lời hay ý đẹp với người thân, họ hàng, láng giềng. Chứ khi ngà ngà men say, có thể buột miệng, rơi vào tình cảnh "rượu nói", "bia nói", chứ không phải người nói".

Bớt quà cáp, giảm biếu xén

“Đố ai năm nay có thể lôi được mình ra khỏi nhà. Mình từ chối mọi cuộc vui kể từ giờ cho đến qua Tết", Nguyễn Quỳnh Anh (23 tuổi, quản lý studio) khẳng định.

Trước đây, Quỳnh Anh được mệnh danh là "cô gái tiệc tùng" vì hiếm khi vắng mặt trong bất kỳ buổi liên hoan nào. Nhưng năm nay, khi công việc khác của Quỳnh Anh chẳng còn thuận lợi như trước, cô buộc phải thắt chặt chi tiêu, tránh lâm vào cảnh nợ nần sau Tết.

Mỗi dịp cuối năm, Quỳnh Anh lại đau đầu với bài toán chi tiêu
Mỗi dịp cuối năm, Quỳnh Anh lại đau đầu với bài toán chi tiêu

“Trung bình mỗi buổi nhậu vui vẻ tốn khoảng 500.000 đồng. Nếu đi tăng 2, tăng 3, con số có thể tăng lên đến 2 triệu đồng. Hiện thu nhập của mình không còn đủ để đáp ứng cho các khoản ăn chơi này”, Quỳnh Anh nói.

Vì vậy, Quỳnh Anh từ chối "khéo" mọi lời rủ rê, lấy lý do rằng mình đang giảm cân trước Tết nên tránh đụng đến bia, rượu và đồ ăn dầu mỡ. Ngay cả danh sách quà tặng của Quỳnh Anh cũng bị cắt giảm đáng kể. Những năm trước, Quỳnh Anh thường tặng quà cho các agency từng làm việc cùng. Năm nay, cô chỉ biếu giỏ quà Tết cho vài đối tác thân thiết nhất. Với những bên còn lại, cô dự định chỉ nhắn tin chúc mừng năm mới.

Tương tự, Thùy Trang (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng rút gọn danh sách người nhận quà Tết, cũng như giá trị quà tặng. Về phía bạn bè, đối tác, cô chỉ nhắn tin chúc mừng năm mới, mong họ thông cảm.

Đối với phụ huynh, Thùy Trang không còn khả năng tặng những món quà trị giá hàng chục triệu đồng như đồ điện gia dụng hay chuyến du lịch giống mọi năm. Cô đành gửi một khoản tiền khoảng 5 triệu đồng về cho gia đình sắm Tết. “Mình áy náy vì không thể tặng quà lớn, nhưng bố mẹ đều hiểu và động viên tinh thần con gái”, Thùy Trang chia sẻ.

Chuyên gia tài chính Đỗ Xuân Thuần (MB Land)
Chuyên gia tài chính Đỗ Xuân Thuần (MB Land)

Theo chuyên gia tài chính Đỗ Xuân Thuần (MB Land), vào dịp cuối năm, các chi phí phục vụ nhu cầu giải trí cá nhân có xu hướng tăng cao, bao gồm tiệc tất niên, sắm quần áo, mua quà Tết...

Với tâm lý "xả hơi" sau một năm làm việc vất vả, nhiều người trẻ khó tránh khỏi cảnh "vung tay quá trán", dẫn đến tình cảnh rỗng ví, thậm chí mắc nợ sau khi lễ Tết qua đi. “Để tránh tình trạng này, đầu tiên, người trẻ nên tập trung giải quyết các chi tiêu cần thiết, gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống như tiền nhà, tiền điện, tiền nước... Sau đó, hãy căn cứ vào kế hoạch phân chia chi tiêu để ước chừng ngân sách mua sắm Tết. Duy trì kỷ luật khi sử dụng tiền cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Việc lên kế hoạch chi tiêu sớm cũng rất quan trọng, song ít được lưu tâm. Khi liệt kê những món cần chuẩn bị, khoản phải chi, các bạn trẻ sẽ có thời gian cân nhắc giữa nhiều lựa chọn, được quyền so sánh các mức giá trước khi đưa ra quyết định tiêu dùng.

Cuối cùng, đừng để bản thân rơi vào nợ nần. Không nên mượn tiền, hoặc mua trả góp chỉ để thỏa mãn nhu cầu sắm sửa. Thay vào đó, hãy tập đo lường khả năng chi tiêu cá nhân”, chuyên gia Đỗ Xuân Thuần nhấn mạnh.

Theo Tuoitre