Cán bộ y tế 9X: Yêu thương mới là điểm tựa

(CTG) Thuộc thế hệ 9x nhưng khi tiếp xúc, tôi có cảm giác Huỳnh Mỹ Thắm, cán bộ Trạm Y tế phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng nhiều tuổi hơn thế.


Nghe Thắm nói chuyện với bệnh nhân trầm cảm, tôi thấy Thắm không giống nhân viên y tế mà như một người bạn của bệnh nhân. Thắm giải thích "Đơn giản vì tôi cũng từng bị trầm cảm".

Tôi từng bị xua đuổi

Công việc tại trạm y tế phường có thú vị không bạn?

Tôi học Trung cấp Điều dưỡng ở Cao đẳng Phương Đông (TP Đã Nẵng). Học xong tôi về làm việc ở Trạm Y tế phường Hòa Minh. Khi về đây, tôi được phân chuyên trách theo dõi các bệnh nhân tâm thần. Ở phường Hòa Minh có tất cả 92 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 32 bệnh nhân động kinh.



Huỳnh Mỹ Thắm, cán bộ Trạm Y tế phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng


Chị nghĩ làm việc với bệnh nhân tâm thần có thú vị không?

Hôm trước tôi có đến thăm một bệnh viện tâm thần, quả thực cá nhân tôi có chút rụt rè. Mấy cô chú trên bệnh viện tâm thần thành phố mỗi khi xuống đây thường đùa: Nếu không bị bệnh nhân chửi, năm ba lần không bị bệnh nhân đánh sứt đầu mẻ trán thì không phải là nhà trị liệu tâm lý (cười).
 
Hồi đầu tiên, thú thật là tôi cũng thấy sờ sợ nhưng giờ thì hết rồi. Không biết có phải tiếp xúc lâu thành quen không, chứ giờ tôi thấy họ đáng yêu lắm. Họ làm thơ tặng tôi, đôi khi họ hỏi thăm, tâm sự... giống như bạn tâm giao, tri kỷ. Nhìn họ hiền khô à. Chẳng có gì đáng sợ cả. Nói nhiều người không tin nhưng hiện tại, tôi yêu công việc của mình...

Nói như bạn thì công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần cũng không vất vả lắm nhỉ?

Cũng nhiều việc lắm, nhưng vì tôi yêu công việc của mình nên không thấy mệt mỏi. Hơn nữa, mới đây, Trạm Y tế phường Hòa Minh có tiếp nhận dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm do Quỹ cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam thực hiện tại TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
 
Giờ, ngoài bệnh thần kinh phân liệt, động kinh, tôi còn tham gia vào việc sàng lọc, tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân trầm cảm. Một công việc tưởng là dễ, nhưng hóa ra lại rất phức tạp, mất nhiều thời gian công sức và cả sự kiên trì nữa.

Kể từ tháng 9/2009, Quỹ cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) đã thực hiện dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại tỉnh Khánh Hòa và TP Đà Nẵng. Dự án đã triển khai áp dụng thí điểm một loại liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm, gọi là liệu pháp kích hoạt hành vi (behavioral activation - BA).

Tôi tưởng là điều trị trầm cảm nhẹ nhàng hơn mấy bệnh kia chứ?

Ai cũng nghĩ như vậy đấy. Thực tế, khi thực hiện dự án này, tôi và các đồng nghiệp có trách nhiệm sàng lọc những người bị trầm cảm trong cộng đồng, vận động họ tham gia điều trị.

Có 2 hình thức là phát tờ rơi và xuống từng gia đình để tìm hiểu và vận động họ tới khám. Bên cạnh một số người đọc tờ rơi đã tự nguyện đến khám và điều trị thì cũng có rất nhiều người nhất quyết từ chối, thậm chí khi tôi đến nhà khuyên còn họ quát và đuổi về.

Lạ nhỉ. Tôi thấy thông thường chỉ có nhân viên y tế quát bệnh nhân chứ làm gì có trường hợp ngược lại?

Nhiều người trong cộng đồng chưa hiểu đúng về trầm cảm và kỳ thị về bệnh trầm cảm. Rất nhiều người cho rằng trầm cảm là điên. Bệnh nhân kỳ thị chính mình và xã hội cũng có nhiều kỳ thị về họ. Họ không chịu thừa nhận bản thân mình bị trầm cảm vì sợ hàng xóm "dị nghị", sợ không xin được việc làm hoặc lo sợ bị đuổi việc vì không ai tuyển hoặc "chứa chấp" những đứa "có vấn đề về tâm thần".
 
Có lần khi phát hiện một trường hợp có các biểu hiện của bệnh trầm cảm, tôi đến tận nhà động viên họ đi kiểm tra. Vừa đến cổng đã bị họ quát "tao không bị điên" rồi đóng sập cửa trước mặt tôi. Lần thứ ba, họ mới cho tôi vào nhà. Mất rất nhiều thời gian sau đó, họ mới chấp nhận đến khám và tiếp nhận sự điều trị. 

Không ngại nói mình bị trầm cảm

Những lúc đến nhà mà bị người ta đuổi và mắng, cảm giác của bạn thế nào?

Tôi không trách mà còn thấy thương họ. Bản thân tôi cũng từng bị trầm cảm. Từ chính mình tôi nhận ra trầm cảm tưởng là bệnh đơn giản nhưng thật ra lại vô cùng nguy hiểm. Nó có thể giết con người ta trong chốc lát. Nhiều bệnh nhân tôi tiếp xúc cho biết, họ từng lên kế hoạch tự tử hoặc đã từng tự tử nhưng may không chết... Tôi đã đi qua cảm giác đó nên tôi hiểu. 

Lúc chia tay tôi, Thắm tâm sự vừa đỗ Cao đẳng Điều dưỡng Đà Nẵng. Với mức lương 1,4 triệu đồng và còn phải phụ giúp mẹ nuôi em trai đi học, nhưng Thắm bảo vẫn sẽ cố theo học lấy kiến thức để giúp đỡ những bệnh nhân của mình.

Cảm giác mà bạn từng trải qua như thế nào?

Gia đình tôi có 4 người, bố mẹ, tôi và em trai giờ đang học lớp 7. Bố tôi trước đây làm trong ngành điện lực. Sau một sự cố đáng tiếc, bố nghỉ việc. Bố vốn hiền lành nhưng buồn chán nên quay ra nghiện rượu. Mẹ thì đi bán đậu hũ. Thu nhập nói chung cũng bấp bênh.
 
Đầu năm 2010, lúc tôi mới về trạm xá này làm, lương được 500.000đ. Lúc đó bố mẹ tôi bị tai nạn giao thông. Suốt 6 tháng, với mức lương còm cõi, tôi vừa đi làm, vừa chăm sóc bố mẹ ở bệnh viện. Thời gian ấy thật sự là khủng khiếp. Lúc nào tôi cũng thấy buồn nản. Tôi thấy thế giới này chẳng có điều gì đáng sống. Tôi đã thu mình lại.

Quanh tôi là điểm tựa

Rồi bạn vượt qua nó như thế nào?

Lúc ấy tôi không biết mình bị trầm cảm, chỉ cảm thấy mọi suy nghĩ đều theo hướng tiêu cực. Ăn kém, ngủ kém, tất cả đều tuột dốc từ tinh thần đến sức khoẻ. Thật may, vào thời điểm khó khăn ấy, tôi nhận được tình yêu thương của mọi người xung quanh. Mọi người động viên về tinh thần, cả giúp đỡ kinh tế, tạo mọi điều kiện để tôi có thể vừa làm việc vừa chăm sóc bố mẹ.
 
Thật ra, nhiều người luôn cho rằng, trầm cảm là phải điều trị bằng thuốc. Qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy có thể sử dụng kết hợp với các biện pháp tâm lý. Chính tình yêu thương, sự quan tâm kịp thời của những người xung quanh là liều thuốc hữu hiệu giúp tôi vượt qua khó khăn, yêu đời trở lại. 

Ý bạn là gia đình, cộng đồng với tình yêu thương mới là điểm tựa vững chắc của người bệnh?

Thông thường trong phương pháp điều trị truyền thống, bác sĩ thường ở "chiếu trên" còn bệnh nhân ở "chiếu dưới". Nhưng ở đây, bác sĩ và bệnh nhân giống như những người bạn. Bác sĩ và các nhân viên y tế sẽ cùng ngồi lại với người bệnh và đưa ra những bài học tâm lý nhằm giúp bệnh nhân tự giải thoát được chính mình. 

Để làm được điều này, gia đình, cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Tôi mong rằng, xã hội có cái nhìn rộng mở hơn đối với những người bị trầm cảm. Hãy quan tâm, yêu thương, đó là cách giúp người trầm cảm không bị mặc cảm tự tin bước ra khỏi bóng tối để đến với ánh sáng mặt trời.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!


Theo Bee.net