Cần giải pháp đột phá chăm lo cho sinh viên

CTG - Tại Hội nghị Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên VN, các đại biểu cho rằng hiện sinh viên bị rất nhiều tác động như: tăng học phí, lạm phát… nên tổ chức Hội cần có giải pháp đột phá chăm lo cho sinh viên.

Ngày 1.3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên VN lần thứ 9, khóa X với sự chủ trì của anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN.

Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến vào 10 nội dung quan trọng, trong đó có: Báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào sinh viên học kỳ 1, năm học 2022 - 2023; Quyết định về thang điểm lựa chọn danh hiệu "Sinh viên 5 tốt tiêu biểu" cấp T.Ư giai đoạn 2023 - 2028; Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028…

Vì sao nhiều trường lớn vắng bóng sinh viên 5 tốt ?

Bàn về Báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào sinh viên học kỳ 1, năm học 2022 - 2023, đa số các ý kiến tập trung làm rõ các chỉ tiêu chưa đạt được, trong đó có chỉ tiêu về Sinh viên 5 tốt. Theo báo cáo của T.Ư Hội Sinh viên VN thì tỷ lệ sinh viên được tuyên dương Sinh viên 5 tốt cấp trường mới chỉ đạt 26,2%.

Cần giải pháp đột phá chăm lo cho sinh viên - Ảnh 1.

Tổ chức Hội cần có giải pháp hỗ trợ sinh viên

Dương Triều

Phân tích nguyên nhân về tình trạng này, chị Nguyễn Anh Thơ, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết nhà trường luôn quan tâm đến phong trào này và mọi năm có số lượng sinh viên đạt rất cao. Tuy nhiên, năm nay tỷ lệ Sinh viên 5 tốt sụt giảm, do việc đạt được các tiêu chí khó khăn hơn như: tiêu chí tình nguyện phải có giấy khen của UBND cấp huyện trở lên, hay tiêu chí về thể lực phải có chứng nhận đạt từ cấp tỉnh, TP trở lên… Về thang điểm lựa chọn danh hiệu "Sinh viên 5 tốt tiêu biểu" cấp T.Ư giai đoạn 2023 - 2028, chị Anh Thơ cho biết nếu tiêu chí về "Sinh viên 5 tốt" cấp T.Ư tiếp tục được nâng lên để trở thành "Sinh viên 5 tốt tiêu biểu", thì sinh viên sẽ thấy khó phấn đấu và có thể bỏ cuộc, vì thế sẽ khó lan tỏa được phong trào.

Lý giải về thực trạng tỷ lệ Sinh viên 5 tốt cấp trường đạt thấp, ông Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong, cho rằng phong trào Sinh viên 5 tốt đã đưa ra những tiêu chí thực sự quý và tốt. Danh hiệu này rất có ý nghĩa vì những bạn đạt được đều là những sinh viên toàn năng, nhưng tại sao chỉ một số trường có nhiều sinh viên tham gia, trong khi nhiều trường nổi tiếng lại vắng bóng.

Ông Sưởng nói: "Tại sao đây là một hoạt động tốt mà chỉ có một số trường quan tâm. Có lẽ do các bạn sinh viên chưa sẵn sàng. Mặt khác, vai trò của Hội Sinh viên ở các trường chưa thực sự sâu sát và tuyên truyền mạnh mẽ, nên ít nhiều ảnh hưởng giá trị giải thưởng".

Theo ông Sưởng để phong trào thực sự có tính lan tỏa; các trường tham gia tích cực, cần đề ra giải pháp, thậm chí có chế tài để ứng viên tham gia đạt chất lượng và số lượng. "Có thể đặt ra chỉ tiêu trên số sinh viên của trường, để các tổ chức Hội phấn đấu đạt được, đảm bảo phong trào được lan tỏa", ông Sưởng đề xuất.

Cần giải pháp đột phá chăm lo cho sinh viên - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị

Bảo Anh

Nhiều tác động đến tư tưởng sinh viên

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Hội Sinh viên cần chú trọng việc nắm bắt, dự báo về tư tưởng của sinh viên trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế. Ông Phùng Công Sưởng cho biết hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi suy nghĩ của sinh viên cả về cuộc sống, việc làm, tình yêu… Vì vậy, Hội cần nắm bắt tư tưởng của sinh viên để đưa ra giải pháp hoạt động phù hợp trong thời gian tới.

THEO TNO