Câu chuyện cổ tích của cô gái xứ Thanh

(CTG) Những khát vọng vươn lên làm chủ số phận, sự nỗ lực trong học tập, rèn luyện của cô gái Lê Thị Thắm (SN 1998 xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã được xã hội ngưỡng mộ và dành cho cô tình thương, lòng khâm phục.

Tiếp xúc và trò chuyện cùng Lê Thị Thắm ngoài đời không ai nghĩ cô gái nhỏ nhắn ấy đã tốt nghiệp cử nhân ngành sư phạm ngoại ngữ của Trường Đại học Hồng Đức và hiện đang dạy học tại quê, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hơn 20 năm trước, vợ chồng anh Lê Xuân Ân và chị Nguyễn Thị Tình sinh cô con gái đầu lòng. Niềm vui đón con chào đời cũng là nỗi đau và sự tuyệt vọng khi chứng kiến đứa con gái bé bỏng không có hai tay. Thương mình thì ít, thương con thì nhiều, nước mắt cũng không thể xoa dịu nỗi đau… Anh chị thầm hứa với lòng mình sẽ cùng nhau dạy dỗ chăm sóc con nên người, chứ không chấp nhận đầu hàng trước số phận nghiệt ngã.

Lên 6 tuổi, thấy bạn bè cắp sách đến trường Thắm cũng đòi cha mẹ cho đi học. Nói về Thắm những ngày đầu ấy, khi chị Tình bồi hồi: khi đó Thắm còn bé tí mà để được đi học nó đã hứa với tôi là nếu con đến lớp mà không học giỏi bằng các bạn thì con sẽ đồng ý ở nhà…

Nhắc lại những năm tháng bắt đầu tìm con chữ cho mình, Thắm kể “Những năm đầu học tiểu học, nhiều khi em đã tưởng là mình phải bỏ lại ước mơ đi học giữa chừng vì khi tập viết các đầu ngón chân sưng tấy, mỏi nhừ. Nhiều khi  đau quá em quẳng bút ngồi khóc, nhưng rồi, ngay lập tức sau đó lại nhặt bút và tiếp tục luyện chữ…”.

Với nỗ  lực phi thường, bản thân luôn nhắc mình không gục ngã trước khó khăn, cô gái bất hạnh không may mắn này đã thực hiện ước mơ đèn sách của mình như bao bạn bè đồng trang lứa khác với thành tích đáng nể 12 năm liên tiếp là học sinh giỏi. Năm 2016, để tiện cho việc học hanh và gia đinh, Thắm quyết định thi và đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức.

Khi ấy, PGS.TS Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức nhìn thấy Thắm và đọc bảng thành tích phổ thông của cô gái này đã không giấu được sự cảm phục. Ông bảo, mặc dù từ trước tới nay Khoa Sư phạm ngoại ngữ của Trường chưa từng nhận học sinh khuyết tật nhưng nếu em thi đỗ, thầy sẽ đứng ra làm tờ trình, đề nghị nhà trường tiếp nhận em.

Bốn năm theo học tại Trường Đại học Hồng Đức, Thắm luôn là sinh viên giỏi của trường và được nhận học bổng. Thương cảm và khâm phục trước nghị lực của cô gái này nhà trường đã cho 2 mẹ con Thắm mượn một phòng ký túc để ở miễn phí.

Không chỉ vậy, lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức còn tạo công ăn việc làm cho chị Tình khi đồng ý nhận chị vào làm lao công trong trường với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Bản thân Thắm thì được miễn phí toàn bộ học phí và các khoản đóng góp khác.

Cách đây 3 năm, Thắm mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ quê mình. Cảm phục nghị lực của Thắm, nhiều người đã đến thăm, động viên và hứa sẽ hỗ trợ một số dụng cụ như: máy chiếu, máy trợ giảng... để Thắm có điều kiện thuận lợi dạy học tại nhà.

Với nghị lực phi thường, vươn lên chiến thắng số phận, Lê Thị Thắm vinh dự là 1 trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức trong 2 ngày (27 - 28/12/2020) tại Hà Nội.

Ý chí, khát vọng, nỗ lực phi thường Lê Thị Thắm cứ lặng lẽ viết nên trang sử cho đời minh đầy tươi sáng. Ngày mai, một tương lai tươi sáng đang chờ đón em, chờ đón cô gái biến giấc mơ của hai mươi năm trước thanh hiện thực. Thắm mãi là tấm gương không chỉ dành riêng cho những người không có được sự may mắn của tạo hóa như em.

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của  Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 trong 2 ngày (27 - 28/12/2020) tại Hà Nội.

Chương trình nhận được sự phối hợp đồng hành chính xuyên suốt của Công ty TNHH TCPVN (chủ sở hữu thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior) và sự tham gia hỗ trợ của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Hoa Sen. Chương trình nhằm tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Đồng thời, chương trình cũng tạo sự quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam. Thông qua chương trình, Ban Tổ chức cũng mong muốn tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả.

Nguồn: ĐHV