Chàng trai 9X mắc bệnh máu khó đông khởi nghiệp từ 600.000 đồng

(CTG) Dù bị mắc bệnh hemophilia (máu khó đông), với những nỗi đau đớn âm ỉ và thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị, nhưng Trần Văn Việt (28 tuổi, xã Trung Giáp, H.Phù Ninh, Phú Thọ) vẫn khởi nghiệp với nghề làm bonsai.

Anh Trần Văn Việt và cây bonsai có giá 9,2 triệu đồng /// Ảnh NVCC
 
Anh Trần Văn Việt và cây bonsai có giá 9,2 triệu đồng

Nghỉ học đi làm thuê lấy tiền chữa bệnh
 
Từ khi sinh ra, Trần Văn Việt đã mắc hemophilia. Đây là bệnh do yếu tố di truyền, gây nguy cơ chảy máu không chỉ từ những vết thương ngoài da, mà còn là chảy máu trong như chảy máu ổ khớp, chảy máu nội tạng, gây cảm giác đau đớn. Vì vậy, Việt phải sống chung với đau đớn đến mất ăn mất ngủ và thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị để cầm máu.
 
Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, do bố mẹ chỉ làm ruộng. Nhà có hai anh em thì cả hai đều bị bệnh. “Có nhiều thời điểm nhà tôi phải ăn cơm độn ngô. Thi đỗ vào cấp 3, nhưng tôi phải nghỉ học vì gia đình không có điều kiện”, Việt chia sẻ.
 
Chàng trai 9X mắc bệnh máu khó đông khởi nghiệp từ 600.000 đồng - ảnh 1

 

Việt chia sẻ hoàn cảnh của mình tại lễ kỷ niệm Ngày Hemophilia thế giới 17.4

 
Năm lớp 9, do không có tiền đi khám thường xuyên, khớp gối bên trái của anh bị tụ máu một thời gian quá dài, gây cứng khớp, không co được. Anh đã phải kiên trì tập luyện bằng cách đạp xe hàng ngày để có thể ngồi được.
 
Trong khi bạn bè còn là những cô, cậu học sinh cắp sách đến trường thì Việt một mình về Hà Nội vừa chống chọi với bệnh tật, vừa đi làm kiếm tiền trang trải viện phí.
 
“Khi còn nhỏ, mỗi lần lên Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư chữa bệnh thì có mẹ đi theo chăm sóc. Đến 15 tuổi, tôi tự đi viện và bắt đầu đi làm thêm từ phục vụ quán cà phê, bưng bê ở quán ăn, đến làm công nhân xây dựng, chạy xe ôm công nghệ”, Việt chia sẻ.
 
Bỏ chơi game để khởi nghiệp
 
Khi đến viện điều trị, để giết thời gian, anh cũng như bao bệnh nhân khác vùi đầu vào cày game. Trong một lần xem clip làm bonsai (loại cây cảnh nhỏ có dáng cổ thụ) trên mạng, Việt mày mò làm theo. “Thay vì ngồi chơi game như trước, tôi bỏ dây đồng ra vừa xem clip hướng dẫn vừa uốn, vừa bẻ tạo dáng, học theo. Rồi làm bonsai trở thành niềm đam mê”, Việt kể. Từ năm 2018, anh quyết định khởi nghiệp từ 600.000 đồng.
 
Chàng trai 9X mắc bệnh máu khó đông khởi nghiệp từ 600.000 đồng - ảnh 2

 

Anh Việt bên một tác phẩm của mình

 
"Tôi mua 2 kg dây đồng và một bộ kìm hết hơn 600.000 đồng và bắt đầu làm. Lúc đầu, không có người hướng dẫn, cứ nghĩ sao làm vậy, chính vì thế mà càng tốn nguyên vật liệu hơn. Giá 1 kg gần 300.000 đồng nhưng sau khi làm bị hỏng, tôi bán lại chỉ được 90.000 - 95.000 đồng/kg. Đối với tôi đó là một số tiền không nhỏ, bởi mỗi ngày chi phí điều trị của tôi khoảng 10 triệu đồng, ngoài bảo hiểm chi trả, tôi vẫn phải thanh toán 500.000 đồng”, Việt nhớ lại.
 
Bỏ rất nhiều công sức làm bonsai mà thu nhập lại chưa có, nên nhiều lần Việt muốn bỏ cuộc, nhưng anh lại tự động viên mình: “Mỗi người sống cần có một ý nghĩa, ai cũng có thể bỏ cuộc, nhưng chúng ta bỏ cuộc thì ta sẽ trở thành bùn đất thôi. Chỉ có bước tiếp mới giúp được chính mình”. Vậy là anh lại quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.
 
Chàng trai 9X mắc bệnh máu khó đông khởi nghiệp từ 600.000 đồng - ảnh 3

 

Việt khởi nghiệp từ việc làm bonsai

 
Khi hoàn thiện sản phẩm và đưa lên trang Facebook cá nhân, may mắn, anh gặp được anh Lê Duy Đức (35 tuổi) là đồng hương và có chung niềm đam mê với bonsai. Anh đã đến gặp anh Đức để học hỏi cách làm bonsai một cách chuyên nghiệp. Sau một thời gian, thấy các sản phẩm đạt yêu cầu, anh Đức mời Việt về xưởng làm bonsai của gia đình tại Sơn La để cùng làm việc.
 
Mỗi cây bonsai do Việt làm có giá từ 2 - 10 triệu đồng, đã giúp anh có thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng và giúp Việt đủ chi phí chữa bệnh mà không phải phụ thuộc vào gia đình. Sau hơn 3 năm khởi nghiệp, giá trị cây cảnh của Việt đã lên đến khoảng 300 triệu đồng.
 
Triết lý từ cây
 
Với người bình thường, việc trầy xước da chảy máu là chuyện nhỏ, nhưng đối với người mắc bệnh hemophilia đó là một nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng công việc của Việt thường xuyên sử dụng máy móc và đồ sắc cạnh, nên những vết thương chảy máu là không thể tránh khỏi.
 
Mắt Việt cận cũng từ khi làm công việc này vì phải tập trung cao độ trong thời gian dài. Việt chia sẻ: “Khi làm những tác phẩm lớn phải tính bằng tháng, có những ngày tôi làm việc mười mấy tiếng, làm tới 1- 2 giờ sáng là điều bình thường”.
 
Chia sẻ về một trong những tác phẩm kỳ công nhất, Việt kể đó là cây bonsai “Vạn niên tùng” được tạo nên từ 12 kg đồng, 0,5 kg gỗ lũa long não và đá thạch anh. Cây được chế tác trong vòng 28 ngày. Kỳ công nhất là thời gian bẻ từng chiếc lá, mỗi chiếc tạo lên từ sợ dây đồng đường kính 0,5 mm. Mỗi chiếc lá lại có 4 công đoạn để hoàn thiện: tính độ dài, dùng kìm bẻ, cuốn lại và xếp sao cho các tán, lá không bị rối, tròn đều và có tính thẩm mỹ.
 
Chàng trai 9X mắc bệnh máu khó đông khởi nghiệp từ 600.000 đồng - ảnh 4

 

Cây Đại mộc nghênh phong, Việt tự tặng mình

 
Trong quá trình làm, Việt bị cắt vào tay, anh phải chịu đau đớn vượt hàng trăm cây số từ Sơn La về bệnh viện ở Phú Thọ điều trị. Cây được bán với giá 9,2 triệu đồng, với Việt, đó không chỉ là tiền mà là cả máu và nước mắt.
 
Không chỉ làm bonsai với vẻ đẹp thông thường, anh còn muốn gửi gắm thông điệp về lẽ sống ở đó. Trong các cây anh làm, có cây anh không bán mà để tặng cho riêng mình, để anh nhìn vào mỗi khi gặp khó khăn. Anh đặt tên cho cây là Đại mộc nghênh phong.
 
“Cây mọc trên ngọn núi chênh vênh, khô cằn với biết bao khó khăn, gặp nhiều phong ba bão táp khiến cây xơ xác. Nhưng bằng nghị lực và sức sống mạnh mẽ, ý chí kiên cường cây vẫn ngày một phát triển, cắm chặt rễ vào nguồn sống và ngẩng mặt chiến đấu với phong ba”, Việt mô tả.
 
Dù vẫn khó khăn với nỗ lo cơm áo gạo tiền, Việt vẫn ấp ủ ước mơ: “Một này nào đó tôi sẽ tìm được nguồn khách hàng ổn định và giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh giống mình, có công ăn việc làm, tạo ra thu nhập để tự chủ về cuốc sống, giảm gắng nặng cho gia đình. Vì mỗi người phải tạo ra giá trị nào đó thì cuộc sống mới ý nghĩa”, Việt trải lòng. 
 
 

Tại lễ kỷ niệm Ngày Hemophilia thế giới 17.4 tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, anh Trần Văn Việt truyền cảm hứng đến tất cả bệnh nhân hemophilia bằng những câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm.

TS - BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, là người đồng hành cùng Việt trên những bước đường đầu tiên chống chọi với bệnh tật, chia sẻ: "Những tác phẩm tác phẩm của Việt thực sự rất đẹp với những ý nghĩa thật cao cả, nhân văn.
 
Điều khiến tôi cảm động nhất đó chính là bạn ấy đã trưởng thành, tác phong rất đĩnh đạc và có những triết lý sống rất tích cực. Chính điều đó đã tạo động lực và truyền cảm hứng cho biết bao bệnh nhân hemophilia để họ tiếp tục chiến đấu bệnh tật và mơ ước về một tương lai tươi sáng hơn”.

Nguồn: TNO