Chàng trai dân tộc Khùa đan ước mơ của bản làng

(CTG) Hồ Kết - chàng trai dân tộc Khùa, không may bị bỏng nặng trong một lần đi rừng khiến chân tay bị co quắp, biến anh thành người tàn phế. Nhưng vượt lên nghịch cảnh, anh nỗ lực luyện tập để sinh hoạt bình thường và học hỏi chăn nuôi, nghề thủ công cải thiện kinh tế gia đình cũng như tạo sinh kế cho người dân trong bản làng.

Hồ Kết là con thứ tư trong gia đình có 8 anh chị em, trước đây sống du canh du cư khắp các cánh rừng nên thất học. Sau này, khi được Đảng và Nhà nước vận động định canh định cư, gia đình Hồ Kết về sống tại bản Ra Mai (xã Trọng Hóa). Nhà nghèo, đông anh em, lại thường xuyên phải theo cha mẹ lên nương rẫy kiếm cái ăn, nên Hồ Kết cũng như các anh em mình không có điều kiện đến trường.

Năm 18 tuổi, bất hạnh xảy đến với Hồ Kết. Trong một lần đi rừng, Kết lên cơn co giật rồi bị ngã vào đống lửa sưởi ấm. Sau tai nạn, chân tay bị cháy co rút lại và Hồ Kết trở thành người tàn phế. Vượt qua nỗi buồn, dù không được khỏe mạnh, nhanh nhẹn như trai bản để đi rừng, nhưng Kết đã kiên trì tập luyện để đến được nương rẫy gần nhà, chăn nuôi lợn, gia cầm và cố gắng học chữ để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Hồ Kết hồn nhiên “Em không viết được, chỉ đọc được vài chữ nhờ học lỏm từ các em. Từ khi sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời em được rời bản làng về thành phố và được học hành bài bản, em mừng lắm. Trước đây xem các già làng đan lát những vật dụng trong nhà từ mây tre, em rất thích và cố làm theo nhưng cũng chỉ tập đan được những vật dụng đơn giản. Nhưng gần một tháng về đây học, được các bác nghệ nhân truyền dạy, em đã cố gắng hết sức mình để học đan. Giờ thì em đã có thể đan được nhiều loại mẫu hàng theo thiết kế của công ty, em vui cái bụng lắm!”

Hồ Kết cùng bộ sản phẩm đạt giải nhất của mình.
Hồ Kết cùng bộ sản phẩm đạt giải nhất của mình.

Nghệ nhân Hoàng Văn Lai đến từ làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Tây (Hà Nội), là giảng viên của lớp tập huấn cho biết: Hồ Kết là một chàng trai dân tộc sáng dạ, dù đôi tay của em không được lành lặn như mọi người, nhưng nếu biết phát huy đó sẽ là một đôi tay tài hoa của nghệ nhân. Không biết chữ nhưng em tiếp thu rất nhanh nội dung bài học và thể hiện được ý tưởng của thầy dạy trên từng sản phẩm mỹ nghệ. Em xứng đáng được trao giải nhất tại hội thi tay nghề giỏi lần này.

Sau gần một tháng được dự lớp tập huấn giảng viên nguồn nghề đan lát thủ công mây tre, Hồ Kết tâm sự: Bản Ra Mai của em còn nghèo, dân bản chưa có việc làm ổn định, nên em rất mong Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo và Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân phối hợp đưa nghề mây tre đan về với bản làng em. Em tin với nguồn nguyên liệu sẵn có của núi rừng, ở bản lại có rất nhiều người đan lát giỏi, bà con cần cù chăm chỉ, nếu được chỉ dạy thêm mọi người sẽ làm được sản phẩm theo ý tưởng của các đơn hàng. Có việc làm, có thu nhập ổn định từ chính nghề truyền thống của mình là ước mơ của em và của cả dân bản, như vậy bản làng em sẽ ấm no. Người lớn không còn phải lo cái ăn từng bữa và trẻ nhỏ không còn phải thất học như em..

Kết thông báo: “Em đã được Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân mời về làm thợ chính của công ty. Năm mới này em có rất nhiều niềm vui, gia đình vừa mới được Đảng, Nhà nước quan tâm làm cho một ngôi nhà Đại đoàn kết khang trang; vợ em vừa mới sinh em bé và giờ em lại được công ty mời về thành phố làm việc. Em vừa nhận tháng lương đầu tiên. Mừng vì lần đầu tiền trong đời được nhận lương, nhưng mừng hơn là từ nay em có thể tham gia sản xuất những sản phẩm mây tre xuất khẩu để nay mai có thể mang về quê cho bà con dân bản học tập và làm theo. Em sẽ cố gắng làm thật tốt để còn có cơ hội phát triển nghề truyền thống của bản mình!".

Ngoài ra, với cương vị là Hội viên CLB thanh niên khuyết tật huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Hồ Kết còn tham gia hàng chục sự kiện nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật, thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật trong các hoạt động xã hội như Liên hoan nghệ thuật dành cho người khuyết tật, đi bộ vì sự phát triển hòa nhập, Photovoice...

Với nỗ lực vươn lên và đóng góp cho cộng đồng của mình, Hồ Kết vinh dự nhận Giấy khen của Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình vì giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội và thúc đẩy quyền của người khuyết tật. Đặc biệt, dịp này, Hồ Kết vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.

Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác.

Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội.