Biết ơn thế hệ cha anh
Chiều 26/4, các đoàn hành trình của T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội T.Ư hội quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” tại địa danh đặc biệt - Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), nơi yên nghỉ của 644 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy (thứ 2, từ phải sang) thăm, tặng quà Chiến sĩ Điện Biên Bùi Văn Tỉnh. |
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tại nơi linh thiêng của mảnh đất Điện Biên anh hùng, bốn ngọn cờ đại diện cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên, thiếu nhi từ khắp mọi miền đất nước tề tựu, để cùng nhau thăm lại vùng đất huyền thoại năm xưa, khắc ghi công lao to lớn của thế hệ đi trước, ôn lại truyền thống, lịch sử hào hùng và vẻ vang của dân tộc.
Tổng nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong khuôn khổ Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” là hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó, nguồn lực hỗ trợ tỉnh Điện Biên là gần 6,4 tỷ đồng, nguồn lực hỗ trợ cho các tỉnh cụm Tây Bắc Bộ trên tuyến Hành trình đi qua là hơn 1,2 tỷ đồng. |
550 đại biểu ưu tú, từ những chiến sĩ nhỏ Điện Biên, cho đến những học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, doanh nhân trẻ, cán bộ Đoàn, Hội, thanh niên lực lượng vũ trang… đã cùng nhau đi trên con đường huyền thoại, đến thăm hỏi, tri ân các bậc lão thành cách mạng, các chiến sĩ Điện Biên, các gia đình có công với cách mạng, đồng bào, thanh thiếu nhi tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc. Trong giờ phút thiêng liêng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, các bạn trẻ đã dành phút mặc niệm và dâng từng nén hương thơm tưởng nhớ lên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ.
Nhiều giọt nước mắt tưởng nhớ, tri ân của người trẻ đã rơi tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1. Trong dòng người dâng hương tưởng niệm, bạn Nguyễn Ngọc Huyền Trang - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, lặng lẽ đến bên từng phần mộ chưa xác định được danh tính, nâng niu cắm từng nén hương rồi bật khóc.
Huyền Trang nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Từng phần mộ liệt sĩ, đặc biệt là phần mộ chưa xác định được danh tính gợi lên trong tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi nhớ ông ngoại của mình cũng từng tham gia chiến tranh và biết ơn vô cùng các Anh hùng liệt sĩ. Đứng ở đây, tôi thực sự thấm cái giá rất đắt của độc lập, tự do, dường như từng tấc đất dưới chân mình đi đều thấm đẫm xương máu của cha anh”.
Huyền Trang cho biết, những cảm xúc đặc biệt tại Điện Biên Phủ đã thôi thúc bản thân phải sống có trách nhiệm hơn, nỗ lực hơn nữa. “Thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, thanh xuân của mình để mang lại mùa xuân cho đất nước. Là người trẻ được sống trong thanh bình, đủ đầy của ngày hôm nay, hà cớ gì không nỗ lực vươn lên cống hiến cho đất nước? Tôi thấy những gì bản thân làm được còn quá nhỏ bé. Người trẻ chúng ta nếu không nỗ lực vươn lên, không đóng góp được gì cho đất nước ngày hôm nay thì thật có lỗi với lịch sử”, Huyền Trang nói.
Bạn trẻ thắp hương lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. Ảnh: Dương Triều |
Cùng chung dòng cảm xúc, bạn Tưởng Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Sinh viên ĐHQG Hà Nội cho rằng, Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” tiếp thêm nguồn động lực tinh thần lớn lao cho mỗi bạn trẻ. “Những địa danh lịch sử, những cuộc giao lưu với các nhân chứng lịch sử thắp lên ngọn lửa truyền thống hào hùng của dân tộc. Bản thân tôi, cũng như các bạn trẻ trong chuyến hành trình này, sẽ tiếp bước truyền thống cha anh, thi đua học tập, rèn luyện mỗi ngày để góp phần đưa đất nước phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn”, Thuấn chia sẻ.
“Tôi đề nghị các bạn đoàn viên, thanh niên, các em thiếu nhi nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong tiếp nối, phát huy truyền thống của dân tộc. Thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu của mình để giành lại mùa xuân cho đất nước. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ thời đại mới sẽ tiếp tục kế thừa, giữ trọn lời hứa, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy |
Vượt quãng đường xa xôi hàng nghìn km từ Cần Thơ, “chiến sĩ nhỏ Điện Biên” Lê Đỗ Khánh Vân (học sinh lớp 6A2 Trường THCS Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), được hoá thân làm chiến sĩ kéo pháo, làm cơm nắm; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, dâng hương, dâng hoa lên các nghĩa trang liệt sĩ…
Khánh Vân cho biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, em đã tạo ra một phần mềm mô phỏng trận đánh ý nghĩa Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Qua đó, giúp các bạn thiếu niên nhi đồng hiểu biết sâu hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Cầu nối lịch sử với thời đại
Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, như: sinh hoạt chuyên đề; giao lưu, gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử, hành quân đến với địa chỉ đỏ, thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, cựu TNXP; triển khai các công trình, phần việc thanh niên… Trên không gian mạng, các cấp bộ Đoàn đã xây dựng, chia sẻ nhiều sản phẩm truyền thông hiện đại, có ý nghĩa, sức lan tỏa trong cộng đồng.
Trong đó, điểm nhấn là Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” và Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc lần thứ V được T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội SVVN, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức từ ngày 24 - 27/4/2024.
Đoàn hành trình đã hướng về TP Điện Biên Phủ, đi trên con đường huyền thoại mà các thế hệ cha anh đã hành quân 70 năm trước đây. Trong khuôn khổ Hành trình, đã có những công trình, phần việc thanh niên góp phần hỗ trợ các địa bàn khó khăn, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; đã có những tấm bản đồ mang theo dáng hình đất nước được trao gửi, để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt, trong dịp này, các đại biểu tham gia Hành trình cùng với các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tỉnh Điện Biên đã tới thăm hỏi, tri ân, tặng quà 131 cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
“Có thể nói, Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” là cầu nối giữa những giá trị của lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc với thời đại mới; là sự trao truyền của thế hệ cha anh với khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với thế hệ trẻ mang trong mình vinh dự và trách nhiệm hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh.
Theo anh Huy, Hành trình có thể coi là sự khởi đầu của đợt sinh hoạt chính trị trong tuổi trẻ cả nước hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024, 2025, nhất là 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng; 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Theo TP