Chàng trai H’Mông làm giàu nhờ nuôi nhím

(CTG) Từ số vốn ban đầu 90 triệu đồng, nhưng bằng sự thông minh, nhanh nhẹn, dám nghĩ , dám làm, Lý A Sử, sinh năm 1985, ủy viên thư ký Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã La Pán Tẩn, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đã vượt khó, vươn lên với thu nhập gần một trăm triệu đồng/năm.

 


Tháng 6/2010, Sử tốt nghiệp khoa Lâm Sinh trường Đại học Tây Bắc trở về địa phương và lập gia đình. Cha mẹ già yếu, vợ mới sinh con, cuộc sống với biết bao khó khăn vất vả đè nặng lên đôi vai chàng trai người Mông 25 tuổi.

Quyết tâm không cam chịu đói nghèo, nhiều đêm không chợp mắt, Sử trăn trở tìm hướng đi cho mình. Với vốn kiến thức tích lũy được khi học Đại học, anh quyết định phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình kinh tế trang trại, lấy chăn nuôi làm nghề chính trên mảnh đất của gia đình.

 Với ph­­ương châm lấy ngắn nuôi dài, bằng nguồn vốn ban đầu chủ yếu là vay của anh em, bạn bè và Ngân hàng Chính sách xã hội, Lý A Sử chăn nuôi nhím. Anh mua 3 con đực, 3 con cái trưởng thành; qua một năm chăn nuôi, tổng số đàn nhím đã tăng lên 18 con (trong đó nhím mới đẻ là 12 con).

Thành quả đầu tiên của trại nhím có được khi anh bán đi 8 con nhím giống, thu được 48 triệu đồng.  Anh đã đặt trại nhím ngay ở đầu ruộng lúa của gia đình nên có tác dụng cung cấp phân cho ruộng từ chất thải của nhím, thuận lợi cho chăn nuôi gia súc gia cầm.

 Anh tâm sự “Khi chăn nuôi, vấn đề thức ăn tác động rất lớn. Từ đó gia đình đã trồng trọt thêm cây ăn quả tăng thu nhập. Ngoài công việc chăn nuôi và là ruộng ra, gia đình tôi còn tham gia trồng 3 héc ta thảo quả, trung bình đạt 20,4 triệu/vụ”.

 Bằng quyết tâm v­­ượt khó, đến nay gia đình anh đã tháo gỡ được khó khăn và trang trải công nợ, đồng thời đã tích luỹ đ­­ược một số kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; kinh tế gia đình ổn định, kết quả sản xuất đến nay đã cho thu nhập cao. Qua một năm, trừ các khoản chi phí cho sản xuất, chăn nuôi và các khoản thu khác cho gia đình, anh lãi gần 100 triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, Lý A Sử còn cung cấp, hỗ trợ con giống cho đoàn viên, thanh niên trong xã có nhu cầu chăn nuôi nhím tại địa phương; tư vấn cho về kỹ thuật chăn nuôi như xây dựng chuồng, hướng chuồng, kỹ thuật cho ăn, loại thức ăn, cách ghép đôi tách đàn và kỹ thuật chăm sóc nhím con, nhím mẹ sau khi đẻ...và liên hệ các xã, huyện và tỉnh bạn để cung cấp giống và mở rộng thị trường. Đồng thời, anh còn động viên bà con trong thôn phát triển kinh tế bằng chăn nuôi lợn, trâu, bò...; hỗ trợ 8 con nhím giống cho 3 hộ là đoàn viên, thanh niên, tạo việc làm cho 3 hộ gia đình trong xã có thu nhập ổn định.

 Không bằng lòng với chính mình, anh thường xuyên có ý thức học hỏi. Lý A Sử thư­ờng đến Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật tỉnh mua giống và học hỏi kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc cây con giống, nghiên cứu tài liệu để tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng…Dự định trong thời gian tới, Lý A Sử sẽ tiếp tục cho phát triển chăn nuôi nhím và mở rộng chăn nuôi tắc kè, ba ba, kỳ đà... và mở thêm một xưởng rượu thóc đặc sản La Pán Tẩn – Mù Cang Chải.

 Là ủy viên thư ký Hội LHTN xã La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải - Lý A Sử luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và vận động đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp như trồng xoài, lúa đông xuân và ngô đông...tại địa phương. Lý A Sử là gương thanh niên duy nhất tỉnh Yên Bái được Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao tặng Giải thưởng 15/10 cho cán bộ, hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác.   
 

Như Quỳnh 
Tỉnh đoàn Yên Bái