Xưởng cơ khí mái tôn của anh Lê Thanh Tùng việc làm ổn định cho 6 – 10 lao động địa phương
Con đường lập nghiệp chông gai
Sinh ra trong một gia đình nghèo thuần nông, học hết 12, anh Tùng rời quê hương, xin làm công nhân cơ khí ở Hà Nội. Vừa học việc, vừa làm để bươn trải cuộc sống nơi thủ đô đắt đỏ, song 5 năm làm công nhân, anh luôn đạt danh hiệu công nhân xuất sắc.
Có kinh nghiệm, có chút vốn tích cóp sau gần chục năm lăn lộn kiếm sống, đầu năm 2013, anh trở về quê hương, vay thêm vốn mở một xưởng cơ khí nho nhỏ. Đặt ra phương châm lấy "chất” bù "lượng” cộng thêm bản tính vốn cẩn thận, xưởng cơ khí của anh ngày càng được người dân trong xã tin tưởng.
Các công trình dù chỉ nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày. Có lẽ, cuộc sống của anh cứ trôi qua trong yên bình như thế nếu không có sóng gió ngày hôm ấy. Sóng gió khiến cuộc đời anh như lạc vào mê cung mà nếu không có bản lĩnh, sự kiên cường sẽ không thể thoát khỏi.
Đó là một ngày cách đây hơn 5 năm, ngày định mệnh tăm tối của gia đình anh, của cuộc đời anh, anh bị tai nạn lao động. Điện cao thế phóng khiến cơ thể anh gần như cháy rụi. Người ta bảo anh chỉ có vài phần trăm hy vọng sống. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng tai nạn đã lấy đi đôi tay, nửa bàn chân, biến anh thành người khuyết tật.
Nhớ lại quãng thời gian tăm tối nhất của cuộc đời, anh Tùng kể: "Tôi được cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia trong tình trạng chết hồng cầu phải thay toàn bộ máu và một bên tay và 10 ngón chân bị hoại tử không thể giữ lại. Sau không biết bao ngày hôn mê, ngày tỉnh lại, tôi mở mắt ra mà tay chân không có cảm giác gì. Chán nản, hụt hẫng, tự ti, mặc cảm… không biết cần bao nhiêu từ ngữ tiêu cực để diễn đạt tâm trạng của tôi lúc ấy”.
Những ngày ấy không chỉ là quãng thời gian anh và gia đình chiến đấu với bệnh tật, với xúc cảm của bản thân mà còn là ngần ấy ngày khốn khổ vì nỗi lo tiền bạc khi không có bảo hiểm y tế. Mở cái xưởng nhỏ ấy, anh vẫn còn nợ 50 triệu, nay lại thêm chi phí chữa trị lên tới 500 triệu đồng nữa. Số tiền ấy là quá sức với đôi vợ chồng trẻ. May mắn thay, khi ấy, câu chuyện về anh được chia sẻ trên mạng xã hội, số tiền mọi người giúp đỡ cũng giúp gia đình anh vơi bớt khó khăn.
Những công việc nhỏ, vừa sức, anh Lê Thanh Tùng vẫn trực tiếp thực hiện.
Sau 3 tháng rưỡi nằm viện, Tùng trở về trong tình trạng mất 1 bên tay, cánh tay còn lại bị dị tật, biến dạng, nửa bàn chân bị cắt bỏ không thể đi lại. Cơ thể anh lúc ấy chỉ còn da bọc xương kèm theo số nợ 150 triệu đồng đè nặng. Một màu xám xịt bủa vây anh. Kinh tế gia đình vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi anh là lao động chính, nay lại trở thành gánh nặng khi mọi sinh hoạt cá nhân đều cần có sự giúp đỡ.
Anh Tùng tâm sự: "Lúc ấy, tôi ước rằng mình có thể chết để giải thoát cho mình, cho gia đình nhưng nhìn người vợ ngày một tiều tụy nhưng vẫn luôn ân cần, mỉm cười, 2 đứa con nhỏ dại, đứa lên 5, đứa mới 3 tháng tuổi rất cần sự bao bọc của bố, tôi lại gạt suy nghĩ ấy ra khỏi đầu, cố trấn an bản thân rồi cũng sẽ qua thôi”.
Vết thương ở chân vẫn tiếp tục rò tủy, là nguyên nhân cho những ca nạo xương, hút dịch trong suốt 1 năm đầu. Tiếp tục đi lại đều đặn giữa bệnh viện và nhà nhưng chưa lúc nào anh Tùng dừng lại việc tự tập luyện.
Chỉ vào bàn chân "không ngón”, anh bảo: "Nếu không có quyết tâm sẽ không có tôi ngày hôm nay. Cũng có những lúc luyện tập mà bàn chân rớm máu. Nỗi đau thể xác thắng được ý chí trong tôi, tôi cũng muốn buông bỏ. Buông bỏ để chẳng còn phải vì nó mà cố gắng, chẳng phải vì nó mà hy sinh. Nhưng cái gì cũng có giá của nó”.
Cũng đúng thôi! Khi từ bỏ một thứ gì đó cũng đồng nghĩa với việc đánh mất rất nhiều thứ khác. Với anh Tùng, nếu buông bỏ, anh đã đánh mất chính mình, đánh mất cơ hội trở về làm chỗ dựa cho gia đình. Bởi nếu anh gục ngã, cả gia đình anh cũng vậy.
Khó khăn của anh, chẳng ai có thể giúp đỡ ngoài chính bản thân anh cả. Tất cả phải dựa vào nghị lực, quyết tâm của anh mà thôi. Trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ về lý do lúc bắt đầu - anh Tùng đã nghĩ như vậy để hạ quyết tâm học lại tất cả mọi việc như một đứa trẻ từ những bước đi, việc ăn uống hay các kỹ năng tự phục vụ bản thân khác.
Nhìn người chồng, người con đau đớn, gia đình chỉ biết khuyên anh dừng việc luyện tập. Vì không muốn gia đình lo lắng, anh chỉ luyện tập vào lúc mọi người đi vắng hoặc vào buổi đêm khi mọi người đều đã ngủ say. Những lúc thấy bất hạnh, đau khổ, anh cho phép mình khóc, mình buồn nhưng rồi anh lại tự kéo bản thân đứng dậy, bước ra khỏi nỗi tủi hờn, mặc cảm, đau đớn để ngày mai lại có đủ dũng khí và sức lực để bước tiếp.
Không biết có bao lần anh thức trắng để tập đi! Cũng không đếm được có bao nhiêu bữa cơm chan nước mắt! Đau đớn lắm, nhưng rồi anh cũng vượt qua. Một năm sau ngày anh trở về, mọi công việc từ ăn uống, đi lại cho đến các công việc khó hơn như viết, sử dụng điện thoại, đi xe máy anh đều thành thục.
Nỗ lực mang về “trái ngọt”
Xuất viện 4 tháng, mặc dù mọi sinh hoạt còn chưa thành thục, song anh không ngồi yên một chỗ. Tập hợp các thanh niên đã từng đồng hành với mình trước khi tai nạn, anh đứng ra nhận các công trình, thiết kế, hạch toán rồi giao cho thợ thi công. Những công việc nhỏ, vừa sức anh vẫn tự mình làm. Còn những kỹ thuật phức tạp, anh sẽ hướng dẫn tận tình để người khác có thể làm thay.
Nhân dân trong xã phần vì muốn giúp đỡ, phần vì uy tín trước kia nên gia đình nào có công trình đều gọi đội thợ của anh. Vẫn giữ phong cách làm việc như cũ, đội của anh luôn tỉ mỉ, cẩn thận, giá tiền hợp lý, làm đủ mọi công trình dù to dù nhỏ.
Cứ kiên trì từng chút một như thế, đội cơ khí của Lê Thanh Tùng ngày càng được nhiều người biết đến. Không chỉ người dân trong và ngoài xã mà các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện cũng tìm đến đội cơ khí của anh. Bên cạnh đó, anh năng động tìm thêm các công trình khoan phá đá và bê tông để tăng thêm thu nhập cho đội thợ của mình.
Những khó khăn trước mắt dần vơi đi. Từ nhà xưởng nhỏ bé ở sâu trong làng, giờ anh đã xây dựng được nhà xưởng riêng, tạo việc làm ổn định 6 - 10 lao động địa phương. Thu nhập mỗi năm khoảng 250 triệu đồng. Ngoài công việc nhà xưởng, gia đình anh còn tích cực hưởng ứng chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với 5 sào dâu cho thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Gia đình anh từ một hộ nghèo vào năm 2014, đến nay đã vươn lên trở thành hộ khá. Anh Tùng đã trả gần hết nợ, lại sắm sửa thêm nhiều máy móc, xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang ngay trung tâm xã. Thu nhập hàng năm của anh đạt trên 100 triệu đồng.
Ghi nhận nỗ lực phấn đấu không ngừng của anh Tùng, UBND tỉnh Yên Bái đã trao tặng anh Bằng khen về phong trào thi đua thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2014-2019. Anh Tùng cũng được UBND huyện Trấn Yên, Huyện đoàn Trấn Yên trao tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, Hội – phong trào thanh niên huyện Trấn Yên năm 2019.
Đặc biệt, dịp này, anh Lê Thanh Tùng là một trong các gương thanh niên sống đẹp được Trung ương Hội LHTN Việt Nam vinh danh tại chương trình Kỷ niệm 64 năm ngày Truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và trao Giải thưởng “15 tháng 10”; Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2020 vào ngày 11/10/2020 tại Hà Nội.
Đây là phần thưởng cao quý của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhằm tôn vinh những thanh niên tiêu biểu, có việc làm, nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với cộng đồng, xã hội đồng thời gương mẫu chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, nghĩa tình là tấm gương, là động lực cho thanh niên và cộng đồng học tập, noi theo.