Chàng trai mang âm nhạc truyền tự tin cho người khiếm thị

(CTG) Dù là người khiếm thị nhưng anh Trần Văn Thương (SN 1989, Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) vẫn tốt nghiệp loại giỏi khoa nhạc cụ Truyền Thống - Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, đồng thời là một trong những thành viên tài năng của ban nhạc "Âm vang niềm tin" lan toả niềm vui và sự tự tin đến những người cùng cảnh ngộ.

“Học nhạc không chỉ cần thiên phú mà còn cần sự khổ luyện. Với người bình thường, việc học và luyện đã khó rồi thì với chúng tôi còn nhân lên gấp bội. Chúng tôi không thể nhìn được nhạc phổ, tất cả mọi thứ: từng nốt, từng câu, từng đoạn đều phải học bằng cách ghi nhớ, phải lần mò đánh cho đúng nốt, đúng nhịp” - Anh Trần Văn Thương, thành viên Ban nhạc “Âm vang niềm tin” chia sẻ.

Các thành viên của ban nhạc “Âm vang niềm tin” biểu diễn tại một chương trình giao lưu văn nghệ.

Năm 2003, với mong muốn mang niềm vui, sự tự tin cho người mù, đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ trong Hội và tăng thêm thu nhập cho các thành viên, Ban nhạc “Âm vang niềm tin” ra đời đã trở thành cầu nối tình yêu âm nhạc đến với hội viên và công chúng. Ban nhạc hiện có 10 thành viên (đều là hội viên Hội Người mù tỉnh) đa số đều được đào tạo tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh. Tiêu biểu có Trần Văn Thương, tốt nghiệp loại Giỏi, có thể vừa hát vừa chơi đàn organ, ghi ta, đàn bầu; Trần Trung Hiếu chơi đàn nguyệt, ghi ta; Thái Quốc Thanh vừa hát và chơi đàn nguyệt, đàn tứ; Dương Thị Vui chơi đàn tranh, Nguyễn Mai Anh với giọng hát ngọt ngào hiện đang học Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh...

Mỗi người làm một công việc, đến từ vùng quê khác nhau. Có người là nhạc công, người công tác trong Hội người mù, người hành nghề tẩm quất... điểm chung mà họ có là tình yêu dành cho âm nhạc. Bởi vậy chỉ cần có lịch diễn hay lịch luyện tập, tất cả đều có mặt đúng giờ. Trước khi lên sâu khấu, các nghệ sĩ khiếm thị dành rất nhiều thời gian tập luyện: ký âm từng nốt, từng câu, từng đoạn thành chữ nổi, luyện hát, phối bè trước khi ghép vào thành một bài hoàn chỉnh.

Từ khi được thành lập, ban nhạc đã được biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ khác nhau phục vụ các hoạt động của Hội Người mù các cấp và một số cơ quan, ban, ngành. Mỗi năm tham gia biểu diễn khoảng 40 buổi, các thành viên trong Ban nhạc thường lựa chọn những bản nhạc truyền thống, ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước và các làn điệu Quan họ….Dù không thể thấy khán giả, không chiêm ngưỡng sự lấp lánh ánh đèn sân khấu, ký ức về những buổi diễn của các nghệ sĩ khiếm thị trong ban nhạc “Âm vang niềm tin” là rạo rực hồi hộp sau cánh gà, là tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả và là cảm giác sung sướng được sống với đam mê của mình.

Với anh Thương nói riêng và mỗi thành viên nói chung, Ban nhạc “Âm vang niềm tin” không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà họ còn mong muốn có thêm thu nhập từ chính niềm đam mê ca hát. Vì vậy, họ luôn nỗ lực, rèn luyện biểu diễn thật hay, thật tốt, để tự tin tham gia các cuộc thi hoặc được biểu diễn nhiều hơn trên các sân khấu khác không chỉ của Hội Người mù. Nhờ đó, mỗi thành viên vừa thêm thu nhập trang trải được cuộc sống, vừa thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của mình. “Âm vang niềm tin”, tin vào một con đường mà dẫu trên đó chẳng hề trải hoa hồng, không hề bằng phẳng nhưng niềm tin và tình yêu, khát vọng sống là những gì mỗi người khiếm thị tin tưởng về tương lai, về một cuộc sống phía trước luôn tươi đẹp và hạnh phúc.

Với ý chí vươn lên lan toả năng lượng tích cực cho cộng đồng, anh Trần Văn Thương vinh dự nhận Huy chương bạc văn nghệ của Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch, Cục văn hoá Cơ sở, Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở thông tin truyền thông tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều giải thưởng khác như: Giải A tại Liên hoan văn nghệ trẻ em thiệt thòi TP. Hà Nội, ba huy chương bạc tại ba mùa Liên hoan Tiếng hát từ trái tim do Trung ương Hội Người Mù Việt Nam tổ chức, huy chương vàng Liên hoan tiếng hát người khuyết tật toàn quốc, giải nhất Hội thi Tin học, giải ba hội thi tay nghề tẩm quất giỏi, giải ba cuộc thi đọc, viết nhanh chữ braille do Hội người mù tỉnh Bắc Ninh tổ chức...

Đặc biệt, dịp này, anh Thương vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.

Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác.

Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội.