Chia sẻ cùng Thầy cô 2020: Bàn về chủ đề “Tuyên dương giáo viên dân tộc thiểu số”

(CTG) Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã bước sang năm thứ 6 trong hành trình tôn vinh những giáo viên tiêu biểu của nước nhà; ngày 13/08, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục Đào tạo, Ủy Ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long đã tổ chức buổi họp báo chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

 

Tham dự và chủ trì buổi họp báo gồm anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; đại diện của Ủy Ban Dân tộc, đại diện Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long.

Họp báo chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2020.

Năm nay, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” sẽ tuyên dương 63 thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số đang giảng dạy tại các vùng khó khăn. Trong buổi họp báo, ban tổ chức đã chia sẻ những cảm xúc rất chân thật về chặng đường 5 năm ý nghĩa mà chương trình đã đi qua, cũng như giải đáp về chủ đề của chương trình năm nay.

Xét chọn thầy cô giáo người dân tộc thiểu số

Hiện nay, nước ta có 145.600 giáo viên người dân tộc thiểu số đang tham gia dạy ở tất cả các vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn… chiếm 11,2% giáo viên mầm non, tiểu học và phổ thông. Đây là đối tượng chính được ban tổ chức chương trình định hướng xét chọn vinh danh trong năm 2020. Đặc biệt, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc thì Việt Nam hiện có 16 dân tộc rất ít người, các thầy cô tham gia giảng dạy các học sinh của các dân tộc thiểu số rất ít người này cũng sẽ được ưu tiên.

Chăm lo, hỗ trợ cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của toàn xã hội.

Hầu hết các thầy cô giáo này đều đang giảng dạy tại những vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều khó khăn trở ngại trong cả đời sống lẫn công việc. Tuy nhiên, trong số họ có rất nhiều giáo viên không ngại khó ngại khổ, một lòng tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là những giáo viên trẻ. Họ là những tấm gương sáng cần được noi theo cũng như nên được xã hội nhìn nhận quan tâm hỗ trợ một cách thiết thực hơn nữa.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát biểu trong buổi họp báo: "Lâu nay chúng ta tiếp cận các thầy cô người dân tộc miền núi như những người cần được chăm lo, hỗ trợ. Nhưng thực tế, có nhiều tấm gương rất giỏi giang, vượt lên hoàn cảnh, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, cũng như hoạt động giáo dục đào tạo nói riêng, trong đó có nhiều tấm gương các thầy cô giáo đang trong độ tuổi thanh niên. chính các thầy cô giáo người dân tộc thiểu số là nhân vật truyền cảm hứng, tấm gương để chia sẻ cùng các thầy cô khác”.

Sau 5 năm thực hiện chương trình, ban tổ chức ngày càng hiểu sâu sắc hơn về những khó khăn mà những giáo viên vùng sâu vùng xa và miền núi đang đối mặt. Năm nay chương trình sẽ có nhiều hình thức linh động khác nhau để hỗ trợ tốt hơn cho các giáo viên được vinh danh.

Một điểm mới nữa của chương trình năm nay là ngoài các tấm gương được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam các tỉnh, thành phố giới thiệu, đề xuất thì các cơ quan thông tấn báo chí cũng có thể đề cử các gương thầy cô giáo nổi bật. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ vận động các đơn vị xây dựng được ít nhất 1 nhà công vụ cho giáo viên đang dạy học ở trường học điểm lẻ ở vùng cao biên giới…

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cũng chia sẻ ngoài hình thức vinh danh và hỗ trợ một sổ tiết kiệm cho từng tấm gương được tuyên dương như mọi năm. Năm nay, khi phát hiện ra những câu chuyện cụ thể, Ban tổ chức có thể đề xuất ý kiến trực tiếp với cơ quan chủ quản nơi từng tấm gương được tuyên dương đang công tác để có thêm sự quan tâm, lưu tâm trong quá trình giải quyết chế độ chính sách cho các thầy cô.

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc.

Lan tỏa những câu chuyện đẹp

Tại buổi họp báo, Ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) đã chia sẻ sự xúc động trước những câu chuyện được các thầy cô giáo chia sẻ trong năm qua, ông đánh giá đây là chương trình hết sức ý nghĩa đối với giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

“Trong những năm qua, các em học sinh trong độ tuổi đi học đều được cắp sách tới trường, được vui chơi và học tập để nuôi dưỡng những ước mơ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Có được những thành công đó, phải kể đến sự đóng góp bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đối với việc sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Chương trình được tuyên dương dịp 20/11 cũng chính là động lực để các cô giáo thêm yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng khó khăn” - ông Linh nói.

Ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT).

Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long chia sẻ thêm, những câu chuyện năm nay và các năm sắp tới hứa hẹn sẽ có nhiều điểm khác biệt so với trước đây, bên cạnh tinh thần vượt khó và tâm huyết với nghề, ban tổ chức đang định hướng tôn vinh đến thế hệ giáo viên với tinh thần mới, phù hợp với thời đại giáo dục mới với những cống hiến sáng tạo mang đến giá trị mới cho nền giáo dục.

“Những thầy cô trên khắp đất nước nói chung, thầy cô người dân tộc thiểu số nói riêng đang thay đổi rất nhiều theo sự phát triển chung của xã hội, chúng tôi gọi là Thế hệ thầy cô mới: Đó là thế hệ thầy giáo, cô giáo có tinh thần xung kích, không ngại khó khăn gian khổ vì học sinh thân yêu; Đó là thế hệ thầy cô giáo có tinh thần khai phóng, luôn tiếp nhận cái mới trong giáo dục, không ngừng cập nhật thông tin và áp dụng công nghệ trong việc dạy và học; Đó là thế hệ thầy giáo, cô giáo có những sáng kiến, mô hình, công trình nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy học sinh; Đó là thế hệ thầy cô ngoài việc dạy kiến thức ở trường, còn gợi mở tư duy, kể chuyện thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh. Những con người luôn được xứng đáng được kính trọng và tri ân”- ông Hào phát biểu.

Năm nay chương trình diễn ra trong bối cảnh đặc biệt vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Ban tổ chức hy vọng sẽ truyền tải được những câu chuyện đầy xúc động của những giáo viên người dân tộc thiểu số để giúp xã hội thêm hiểu và quý trọng sự hy sinh thầm lặng của những người giáo viên này.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 13.8.2020 đến hết ngày 13.10.2020. Hồ sơ gửi về văn phòng T.Ư Hội LHTN Việt Nam, số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Bìa hồ sơ ghi rõ: Tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020).

Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 tại Hà Nội với nhiều hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi ý nghĩa.

BTC