{Chia sẻ cùng thầy cô 2023}: giữ vững vai trò, vị trí của mình trong công việc.

(CTG) Nghề dạy học là một nghề vinh quang, để trở thành một giáo viên chân chính cô giáo Hoàng Thị Hiền luôn tự nhủ phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình

Là con gái thứ 2 trong gia đình có 3 chị em gái, cô giáo Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1984) hiện là giáo viên môn hóa học tại trường PTDTBT TH&THCS Nam Sơn. Trong suốt thời gian giảng dạy của mình cô luôn dành hết tâm huyết trong từng bài giảng, tích cực đổi mới, sáng tạo. Cô là một trong những gương giáo viên điển hình được tuyên dương trong chương trình “chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ và chị gái đều làm trong ngành Y, bản thân vẫn luôn ấp ủ ước mơ trở thành một bác sĩ được khoác lên người chiếc áo blu trắng từ hồi còn học cấp 3. Với sự dẫn dắt của bố mẹ cũng như nhìn nhận của chị gái, bản thân cô đã có định hướng khác – đó là trở thành một nhà giáo.

Bước chân vào nghề, cô hiểu rằng nghề giáo trong bất cứ thời đại nào cũng đều quan trọng. Để trở thành một người giáo viên thì dễ nhưng để trở thành một người nhà giáo tài năng, đức độ thì không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi cần rất nhiều nỗ lực. Nghề dạy học là một nghề vinh quang, để trở thành một nhà giáo chân chính, phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình. Bởi vì, đây đâu chỉ đơn giản là kiến thức, chuyên môn mà còn cần đến một tâm huyết, một sự yêu nghề, trăn trở với nghề.

Năm 2006 bắt đầu bước chân vào ngành giáo dục, được phân công dạy tại trường PTCS Thanh Sơn, hiện là trường PTDTBT TH&THCS Thanh Sơn, Ba Chẽ, Quảng Ninh. Trường còn nhiều điểm trường lẻ, kết nối với nhau bằng hệ thống đường mòn lầy lội khi mùa mưa đến và bị chia cắt bởi nhiều con suối, một số điểm trường còn chưa có điện lưới, không đường dây điện thoại. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sống nhờ khai thác lâm sản và canh tác trên những mảnh ruộng nhỏ dưới chân đồi. Nhiều em bỏ học vì đi lại vất vả, đến điểm trường chính lại phải tự học cách chăm sóc bản thân không có bố mẹ và người thân bên cạnh, các thầy cô phải thường xuyên phải đến nhà vận động, động viên các em đến lớp. Tuy trong điều kiện khó khăn như vậy, bản thân cô Hiền vẫn luôn tự động viên cần phải cố gắng, bởi các em học sinh nơi đây đã quá thiệt thòi, bản thân mình còn thấy nhụt chí thì các em sẽ không thể tiếp cận được với những nét mới của giáo dục hiện đại.

Với hơn 17 năm trong nghề cô Hoàng Thị Hiền nhiều năm liền đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở. Từ năm 2015-2016 đến nay liên tục được đánh giá viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; 2019-2020 được giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua; 2019 được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng năm 2019, …

Nghề nhà giáo không phải là nghề giàu sang nhất, nhưng là nghề tạo ra tất cả ngành nghề khác. Đó chính là niềm tự hào, động lực để tôi đã đang và sẽ tiếp bước trong nghề giáo tiếp tục truyền lửa cho bao thế hệ học trò, để trân quý hơn hai chữ người thầy dù xã hội thay đổi bao nhiêu đi nữa” cô Hiền chia sẻ.

 

Đặc biệt, dịp này, cô Hoàng Thị Hiền vinh dự được là 1 trong 58 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

 Ngọc Ánh