Trường PTDTBT TH&THCS Sơn Màu thuộc xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh quảng Ngãi, một ngôi trường thuộc xã còn khó khăn của Huyện, học sinh đa số là các em người đồng bào dân tộc Ca Dong. Khi về đây công tác, bản thân thầy đang còn trẻ gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ khi giao tiếp cùng học sinh và cha mẹ học sinh. Trong 5 năm công tác tại trường thầy có tới 4 năm được phân công chủ nhiệm và giảng dạy tại điểm trường lẻ, nhưng điểm trường còn khó khăn về kinh tế, giao thông.
“Vượt qua những đoạn đường dốc đá trơn trợt vào mùa mưa, những đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lỡ đất, đá lăn nguy hiểm, những con suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ cuốn… Có những lúc nước suối lớn chúng tôi phải đị bộ hơn cây số để đến được diểm trường mang những con chữ đến với các em học sinh.” Thầy Chiến bộc bạch
Trong công tác giảng dạy đa số các em học sinh là người đồng bào Ca Dong, nên về việc sử dụng ngôn ngữ Tiếng việt của các em trong giao tiếp, trong học tập vẫn còn nhiều hạn chế. Thầy Chiến đã tự tìm hiểu, học hỏi thêm về ngôn ngữ nơi đây, nhằm khi giảng bài có thể kết hợp cả song ngữ để thuận tiện trong việc giảng dạy, giao tiếp giúp học sinh, cha mẹ học sinh hiểu được những thông tin khi trao đổi.
Vì là dạy học ở điểm trường lẻ thuộc huyện miền núi, cơ sở, trang thiết bị dạy học chỉ ở mức tương đối đảm bảo, không thể lắp đặt, bảo quản được các thiết bị công nghệ... rất khó khăn trong việc ứng dụng CNTT trong dạy học. Không vì thế mà nản lòng thầy Chiến đã chủ động điều chỉnh về kế hoạch bài dạy, đồ dùng dạy học, ác phương tiện, phương pháp, kĩ thuật dạy học nhằm phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế học sinh tại điểm trường qua đó vẫn đảm bảo học sinh đạt được năng lực, phẩm chất và cơ bản biết vận dụng những năng lực, phẩm chất vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó thầy còn thực hiện và sử dụng sáng kiến “Một số giải pháp khắc phục học sinh đọc chậm, viết châm tại Trường PTDTBT TH&THCS Sơn Màu” với các giải pháp như: Sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm thu hút học sinh đến lớp. Giúp học sinh ghi nhớ các âm, vần các em chưa thuộc và tập đánh vần. Tiến hành dạy học phân hóa đối tượng học sinh. Tăng cường Tiếng việt cho các em trong các môn học khác. Phối hợp cùng nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Với việc áp dụng các giải pháp này vào thực tiển trong công tác giảng dạy, học sinh của lớp đã có nhiều sự tiến bộ rõ bậc, tình trạng học sinh đọc chậm, viết chậm đã giảm xuống. Sáng kiến này được các cấp công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn tại trường và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trong quá trình công tác thầy Chiến cũng đã đạt được một số thành tích sau: được chứng nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của giám đốc Sở GD&ĐT Quãng Ngãi; được Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây tặng giấy khen đạt giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học; UBND huyện Sơn Tây tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; …
Đặc biệt, dịp này, thầy Trần Lê Minh Chiến vinh dự được là 1 trong 58 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Ngọc Ánh