Cô Loan lớn lên ở huyện miền núi Đồng Xuân, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Những hình ảnh về các bạn xung quanh với cơ thể không lành lặn, không thể giao tiếp, đã in sâu trong tâm trí cô từ thuở nhỏ. Tới bậc học Trung học cơ sở do không có trường, cô may mắn được gia đình cho vào Tuy Hoà để học, cô ở nhờ khu nội trú Trường Niềm Vui - Trường dạy học sinh khuyết tật, nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên.Tại đây, cô không chỉ học mà còn tìm thấy niềm cảm hứng trong công việc giáo dục trẻ khuyết tật.
Cô nhớ hồi đó "Lần đầu tiên đến đây, cô thấy được bao nhiêu hoàn cảnh học sinh thật đáng thương, dù là học sinh tuy khuyết tật nhưng tất cả đều rất vui vẻ, tươi cười, mừng rỡ quấn quýt và ôm tôi khi gặp cô, làm cô thật nhiều xúc động. Ai cũng đều có nhu cầu học tập, nhận thức, phát triển để hòa nhập với cộng đồng xã hội. Các thầy cô giáo ở đây rất dịu dàng và rất chịu khó trong việc chăm sóc, dạy dỗ. Cô tự hỏi, tại sao mình không cùng lựa chọn làm công việc dạy trẻ khuyết tật này để đem lại niềm vui cho mỗi gia đình có con không may mắn, và cũng có thể cái tên trường
ấy nó thu hút được mình chăng? " Quyết định trở lại Trường Niềm Vui để giảng dạy đã mở ra một chương mới trong cuộc đời cô.
Những ngày đầu giảng dạy, cô Loan đối mặt với không ít khó khăn. Việc tiếp xúc với học sinh câm, điếc, mù và lớn tuổi mới đi học là một thử thách lớn. Tài liệu học tập hạn chế, nhưng cô đã kiên trì tìm hiểu và sáng tạo các phương pháp dạy học phù hợp. Mỗi học sinh đều là một phiên bản riêng biệt, và cô hiểu rằng để dạy tốt, giáo viên không chỉ cần kiến thức mà còn cần cảm nhận được cảm xúc của học sinh.
Theo thời gian, cô Loan đã giúp học sinh dần biết đọc, biết viết, và phát hiện ra nhiều năng khiếu tiềm ẩn trong các em. Một trong những thành công lớn của cô là việc khôi phục lại Cà phê Niềm Vui và mở spa, tạo cơ hội cho học sinh câm điếc trải nghiệm và học nghề. Đây không chỉ là việc làm mà còn là bước đệm giúp các em hòa nhập vào xã hội, có thể tự lập và kiếm sống.
Cô Loan chia sẻ: “Niềm vui của nghề song hành với niềm vui của cha mẹ, gia đình học sinh, khi mỗi đứa trẻ đặc biệt trưởng thành hơn, tiến bộ hơn ngày hôm qua.” Điều này không chỉ thể hiện sự tận tâm mà còn là sự cống hiến không ngừng nghỉ của cô trong việc mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho các em.
Dẫu vậy, cô cũng không giấu nổi những trăn trở của mình về ngành giáo dục đặc biệt. Số lượng trẻ khuyết tật ngày càng tăng, trong khi cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên lại ngày càng thiếu thốn. Cô mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm hơn đến giáo dục đặc biệt, đầu tư vào cơ sở vật chất, nhân lực và đào tạo đội ngũ có trình độ chuyên môn vững vàng.
Đặc biệt, cô Phạm Thị Thúy Loan vinh dự là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tại Thủ đô Hà Nội. |