Sinh ra và lớn lên ở quê hương nhãn lồng Bắc Bộ, cô theo cha mẹ vào Bình Định sinh sống làm ăn và đây đã trở thành quê hương thứ hai của cô, nơi ươm mầm cho sự nghiệp “trồng người” suốt 32 năm. Tháng 12/1990 khi được phân công trực tiếp giảng dạy tại trường cấp 1 bổ túc văn hóa cán bộ huyện An Lão. Ngôi trường này là bổ túc văn hóa cán bộ cho nên học sinh đều đã lớn tuối và đều là người đồng bào dân tộc thiểu số của các xã trong huyện. Vì đường xá đi lại rất khó khăn cho nên giáo viên và học sinh đều phải ở nội trú tại trường. Vừa bước chân đến ngôi trường, nhìn khắp bốn bề đều là rừng núi. Những con đường dốc, lau sậy mọc sát hai bên đường khung cảnh hoang sơ, học sinh nhìn cô, nhút nhát, e dè, bất đồng về ngôn ngữ…Và điều cô băn khoăn nhất là truyền đạt thế nào để các em tiếp thu, hiểu nội dung bài một cách dễ nhất, ham thích đến trường, tự tin đến lớp…Buổi chiều hoặc những lúc rảnh rỗi cô thường xuống khu ký túc xá để tạo không khí thân mật. Trò chuyện, giảng giải thêm khi các em chưa hiểu bài. Dần dần các em đã mạnh dạn tự tin hơn, cô trò đã không còn xa cách, các giờ học cũng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Mộc mạc đơn sơ nhánh hoa rừng tặng cô
Vào tháng 9/1991 do điều kiện thiếu giáo viên mầm non, cô được điều động về công tác tại Trường Mẫu giáo- Nhà trẻ Liên hiệp huyện An Lão. Gia đình cô khi thấy cuộc sống xa nhà khó khăn đã khuyên cô về lại quê, nhưng chính những khó khăn, những tình cảm chan hòa, gần gũi, tin tưởng của phụ huynh, của người dân nơi đây và những ánh mắt ngây thơ, những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của các em mỗi sớm mai đến lớp… đã níu giữ cô ở lại nơi này.
Tình cảm thân mật giữa cô và trò
Trong suốt quãng thời gian 32 năm công tác cô đã được điều động nhiều nơi và trường Tiểu học An Quang là nơi cô gắn bó lâu nhất với đối tượng học sinh 99 % là con em đồng bào dân tộc thiểu số Hre, Bana, Thái…(Trường thuộc Khu vực III). Ngoài những khi dạy chữ bản thân người làm nhà giáo như cô còn dạy thêm cho các em về các kỹ năng sống, cách làm người đối nhân xử thế,… Bản thân cô là một giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều trắc trở mà bất kì một giáo viên nào cũng phải đối mặt để giúp các em sử dụng tiếng Việt có hiệu quả. Đòi hỏi người giáo viên phải có những kỹ năng cần thiết, linh hoạt sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng Dạy và Học.
Rèn đọc thêm cho các em
Song hành cùng việc giảng dạy cô còn tham gia tổ phó tổ chuyên môn 1+2+3 của trường và tổ giáo viên cốt cán môn Đạo đức của Sở GD&ĐT. Với vai trò, trách nhiệm của mình cô luôn học hỏi, nhiệt tình chia sẻ tới đồng nghiệp những kinh nghiệm của cá nhân về công tác giáo dục, rèn luyện học sinh để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những nỗ lực và những kinh nghiệm của tôi trong dạy học, giờ đây chất lượng học tập môn Tiếng Việt của các em đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tạo cho các em cảm nhận được việc học tập, giao tiếp tốt bằng Tiếng Việt là hành trang cần thiết trong cuộc sống, là chìa khoá để các em chiếm lĩnh kiến thức trên tầm cao mới.
Với 32 năm công tác – Một chặng đường đã cận kề với điểm dừng chân cuối của sự nghiệp – Nhìn lại thời gian đã qua tôi rất hạnh phúc khi thấy học trò của mình đã lớn khôn và trưởng thành với nhiều ngành, nghề khác nhau. Đã và đang bay cao, bay xa cống hiến sức lực, tuổi xuân của mình cho đất nước. “Về phần tôi vẫn luôn cố gắng tận tậm, tận lực để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả được giao phó và luôn kiên trì, nhiệt tình, thực sự yêu nghề mến trẻ. Luôn đổi mới trong phương pháp soạn giảng, trau dồi nghiệp vụ, tham khảo tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy và học.” Cô Ngà chia sẻ
Đặc biệt, dịp này, cô Ngà vinh dự được là 1 trong 58 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Ngọc Ánh