Chứng khoán đã thực sự qua thời ảm đạm nhất?

(CTG) - Ngược lại với nhận định của Công ty chứng khoán TP.HCM, có đến 90% khả năng thị trường vẫn chưa lập đáy và do đó vẫn còn đầy rủi ro, chưa kể đến tính tương quan với thị trường bất động sản mà sự bất thường của giá nhà đất cũng có thể là một yếu tố hút vốn từ thị trường chứng khoán.


Theo thống kê của Vietstock, trong tuần qua khối lượng giao dịch đã được cải thiện đáng kể trên cả hai sàn, với tỷ lệ tăng 13,4% trên HOSE và 15,4% trên HNX. Khác với tuần trước nữa, đây là một tín hiệu hé lộ đôi chút khả quan cho thị trường.


Cùng cộng hưởng với mức tăng khối lượng giao dịch, tỷ lệ tăng điểm của HNX bất ngờ vượt qua VNI, với 2,55% so với 0,09%. Tương ứng với hiện tượng này là những cổ phiếu có vốn hóa lớn chỉ tăng có 0,03%, trong khi cổ phiếu có vốn hóa vừa tăng đến 3,73%, còn nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ cũng tăng từ 0,85 – 1,59%. Đồng thời, khối ngoại tiến hành mua ròng, hỗ trợ cho niềm tin của thị trường.

Với những tín hiệu phần nào khả quan trên, trong một nhận định ngày, Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) đã tự tin cho rằng “Có lẽ thời kỳ ảm đạm nhất đã chấm dứt”. Cơ sở của nhận định này là bức tranh thị trường đứng trên phương diện kỹ thuật cho thấy khả năng bứt phá của giá, và kịch bản khả dĩ nhất là thị trường sẽ bắt đầu tăng tốc kể từ mốc hiện tại, cũng như khuyến nghị khách hàng nên mua vào có chọn lọc một số cổ phiếu.

Một trong những thuyết minh rõ ràng nhất cho xu hướng tăng giá có thể diễn ra là dòng tiền đầu cơ đang đổ khá mạnh vào một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi cổ phiếu lớn gần như bị lãng quên, thậm chí VIC còn bị nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh.

Đây cũng là bối cảnh được coi là rất “nhạy cảm”, khi thị trường nín thở theo dõi từng dấu hiệu nhỏ về biến động lãi suất. Vào cuối tuần qua, việc Ngân hàng nhà nước đã làm việc với 12 ngân hàng về xu hướng kéo giảm lãi suất xuống 17-19% trong tháng 9/2011 đã được xác nhận như động thái đầu tiên trong thực tế. Tuy cuộc họp này thiếu tính cụ thể ở các biện pháp kéo giảm lãi suất, nhưng dù sao vẫn mang lại hy vọng cho nhà đầu tư chứng khoán về dòng tiền có khuynh hướng chảy dần vào thị trường này.

Những thông tin vĩ mô cũng đang dần ủng hộ cho sự phục hồi của thị trường, nếu quả thực thị trường này muốn và có thể phục hồi. CPI cả nước vào tháng 8/2011 chỉ là 0,93% - mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, gợi lại lý thuyết về “đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán”. Song trùng với thuận lợi trong nước, trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng đang dần lấy lại cân bằng với lời hứa hẹn về gói QE3 của FED, có thể được đưa ra thảo luận vào cuối tháng 9/2011.

Nhìn tổng quát, đợt đánh lên bất ngờ (lại bất ngờ) vừa qua, dù vẫn hoàn toàn mang tính khiên cưỡng như con sóng tăng từ cuối tháng 5 – giữa tháng 6/2011, nhưng vẫn mang lại xúc cảm cho các nhà đầu tư đang buồn ngủ, khơi dậy hy vọng mỏng manh về việc thị trường đang trong quá trình lập đáy.

Một chi tiết không thể bỏ qua là đợt tăng nhẹ vừa qua của thị trường lại diễn ra ngay trong tháng “cô hồn”, khi toàn bộ thị trường bất động sản trên toàn quốc đều uể oải, còn “kẻ thù duy nhất” của thị trường chứng khoán chỉ là sự điêu đứng của giá vàng.
 
Chứng khoán luôn hàm chứa quy luật nghịch lý, luôn phát xuất mầm mống phục hồi trong một giai đoạn cực kỳ bĩ cực mà nhà đầu tư tưởng như không lối thoát. Phải chăng sự nghịch lý này đang diễn ra?

Khách quan mà xét, nghịch lý đó trong bối cảnh hiện nay là có thể với những thuận lợi như đã mô tả. Nhưng, ngay trong nghịch lý này vẫn tồn tại một nghịch lý khác – đó là sự không thể. Từ đầu đến giữa năm 2011, đã có không ít cơ hội phục hồi thuận lợi nhưng thị trường vẫn bỏ qua. Từ đầu tháng 7/2011 đến nay, cơ hội vẫn còn nhưng lại chẳng ai tận dụng. Thêm vào đó, xu hướng khối lượng giao dịch trên HNX giảm dần qua các tháng càng làm nhà đầu tư bị suy mòn hy vọng.

Theo một cách nhìn nhận khác, thị trường vẫn đầy rẫy sắc thái bi quan khi phải đối mặt với nhiều vật cản trên con đường phục hồi, nếu không muốn nói là tìm đáy của nó. Nếu quả thực thị trường chứng khoán là kim chỉ báo cho nền kinh tế, thì nó đã phải phản ứng tăng cách đây mấy tháng, chứ không phải chờ đến khi lạm phát giảm xuống và nền kinh tế tăng trưởng lại thì chứng khoán mới tăng theo.

Trong khi đó, vẫn thường trực nguy cơ về ý đồ thoát hàng của các tổ chức lớn. Hệt như giai đoạn tháng 3-4/2011, bối cảnh hiện nay cũng có thể đặc trưng bởi một thời kỳ kéo ngang trong vài tháng với những phiên giao dịch lên xuống không theo quy luật nào cả. Một số mã cổ phiếu có tính đầu cơ cao sẽ được đánh lên, nhưng hiện tượng này cũng có thể là tiền đề cho một đợt giảm mạnh sau đó.

Trong lịch sử, đã từng có những giai đoạn kéo ngang với hoạt động đầu cơ cổ phiếu nhỏ được đẩy mạnh như hiện nay. Chẳng hạn như thời kỳ tháng 12/2008, sau khi thị trường lao dốc đã diễn ra một đợt tăng nhẹ trong hơn hai mươi phiên mà đã đem lại cảm giác cho nhà đầu tư như thể thị trường đã chính thức phục hồi. Tuy nhiên đợt sụt giảm sau đó lại làm thị trường mất thêm khoảng 30% giá trị nữa.

Tháng 9/2011 sẽ tiếp tục là một phép thử với thị trường chứng khoán. Giá vàng sau khi tạo đỉnh cao sẽ khó mà tăng thêm, nếu không muốn nói là đang ẩn chứa một thảm họa lao dốc. Mặt bằng lãi suất chắc chắn sẽ được kéo giảm ít nhiều. Trong những điều kiện ấy, nếu các chỉ số chứng khoán không tận dụng được cơ hội để bứt hẳn lên, thật khó có hy vọng cho thị trường tiếp tục trụ vững ở mức điểm số hiện thời.

Ngược lại với nhận định của Công ty chứng khoán TP.HCM, có đến 90% khả năng thị trường vẫn chưa lập đáy và do đó vẫn còn đầy rủi ro, chưa kể đến tính tương quan với thị trường bất động sản mà sự bất thường của giá nhà đất cũng có thể là một yếu tố hút vốn từ thị trường chứng khoán.


Theo Vietnamnet