Hàng nội thất đang chịu ảnh hưởng lớn của thị trường địa ốc đóng băng kéo dài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, doanh số của Công ty D’Furni ở TPHCM vẫn tăng tới 30% so với cùng kỳ. Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc điều hành D’Furni, công ty chuyên phân phối bàn ghế, cho biết nguyên nhân của sự tăng trưởng là do doanh nghiệp ông tìm cách đa dạng hóa mặt hàng, xem xét tỷ lệ các sản phẩm và điều chỉnh các kênh phân phối. Trong một vài năm gần đây, doanh thu của công ty tăng nhờ bán tốt ở TPHCM, nhưng năm nay, công ty tập trung phát triển các thị trường vùng ven, đặc biệt là vùng Tây Nguyên.
Mùa Tết năm nay, D’Furni đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Tây Nguyên, dựa trên những thông tin về thu nhập từ cà phê, hồ tiêu và cao su của người dân ở đây tăng trưởng rất tốt. “Một điều tôi có thể khẳng định chắc chắn là cuối năm nay hàng của chúng tôi sẽ bán rất chạy tại thị trường Tây Nguyên. Một khi người dân, kể cả người dân tộc thiểu số, được mùa cà phê thì xe máy và đồ điện lạnh là thứ họ mua đầu tiên, sau đó là đồ nội thất. Vì thế, chúng tôi đang chuẩn bị nguồn vốn để chứa hàng bán Tết tại thị trường này”, ông Thập nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex Mart, cho biết từ đầu năm đến nay, toàn hệ thống có mức tăng trưởng 16%, thấp hơn nhiều so với mức 30% của các năm trước. Tuy nhiên, thị trường vùng ĐBSCL lại có bước tiến ngoạn mục, khi tăng tới 35%. Vinatex Mart đang tiến hành phân tích, tìm hiểu nguyên nhân để đầu tư hơn nữa cho thị trường này. Với doanh số khoảng 1.000 tỉ đồng từ đầu năm đến nay, bà Hương cho biết, với hàng dệt may, nếu được đầu tư bài bản, con số này sẽ phải gấp ba lần so với hiện nay.
Một số doanh nghiệp may mặc, giày da xuất khẩu mà TBKTSG tiếp xúc cũng cho biết mùa Tết năm nay, họ sẽ chú trọng đến thị trường nông thôn, cung cấp cho thị trường này những mặt hàng chất lượng với giá cả bình dân.
Một số doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu cũng có ý định liên kết với những doanh nghiệp khác để khai thác thị trường nội địa trong mùa Tết năm nay.
Mặt hàng giá rẻ cũng là một chiến lược mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Tuy nhiên, theo bà Hương, qua kinh nghiệm cho thấy không phải người tiêu dùng ham giá rẻ, mà họ chú trọng đến chất lượng và kiểu dáng. Vì thế, Vinatex Mart đang có kế hoạch đầu tư thêm các trung tâm thời trang, đồng thời sắp xếp lại hệ thống siêu thị của mình để mời gọi các nhãn hàng cao cấp hơn vào bán. Mùa Tết này, Vinatex dự định tung ra thị trường thêm ba nhãn hàng riêng nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ em, phụ nữ và nam giới.
Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may trong nước đang nỗ lực để tồn tại. Thế nhưng, khó khăn do biến động giá cả nguyên vật liệu, bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn khiến họ không biết xoay xở ra sao. Bên cạnh đó, nỗi lo về biến động tỷ giá vào dịp cuối năm luôn thường trực, khiến doanh nghiệp không khỏi lo lắng.
Theo nhiều đại diện doanh nghiệp, việc quản lý thị trường hiện còn nhiều bất cập. Vì thế, đất sống của hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn, cộng với những cuộc cạnh tranh thiếu công bằng, đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. “Trong thời điểm những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng phải thắt lưng buộc bụng để tồn tại, chi tiêu cho truyền thông quảng bá không có, thì người tiêu dùng lại bị nhiễu loạn thông tin khi có doanh nghiệp quảng cáo nói quá về sản phẩm, còn chất lượng thì không ai kiểm chứng”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may đã chia sẻ.