Bánh chưng vào siêu thị
Bước vào tháng Chạp, ngôi nhà của anh Đặng Văn Đoàn (làng Tranh Khúc, Thanh Trì, Hà Nội) ngập tràn vị Tết. Mùi thơm của những chiếc bánh chưngvừa vớt, vị lá dong quện với hương gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh, hành, thịt.
Những chiếc bánh chưng sau khi được hấp trong nồi hơi 10-12 giờ được máy cẩu đưa ra ngoài, xếp ngay ngắn trên khay cho ráo nước. Men theo làn khói, hương vị của bánh chưng kích thích vị giác của mỗi người. Ai cũng có thể cảm nhận Tết đang đến thật gần khi ở nơi đây.
Anh Đoàn hào hứng nói về niềm vui của người làng nghề bánh chưng Tranh Khúc là luôn được hưởng không khí Tết quanh năm. Anh Đoàn là đời thứ 4 tiếp quản nghề của ông cha.
Sinh ra trong làng nghề, từ nhỏ, anh Đoàn đã gói bánh chưng thoăn thoắt. Nằm lòng các công đoạn khác nhau, song mỗi gia đình ở đây lại có một bí quyết riêng để chiếc bánh chưng dẻo dền, thơm ngon đặc trưng riêng.
Trước đây, những chiếc bánh gia đình anh Đoàn làm ra được phân phối, bán khắp các chợ truyền thống. Khi trưởng thành, anh Đoàn đảm nhận khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính anh là người nâng tầm chiếc bánh chưng, đưa vào những giỏ hàng ở siêu thị.
"Ban đầu, tôi mang bánh chưng đi chào hàng cho những siêu thị nhỏ. Sau một thời gian kinh doanh sản phẩm này hiệu quả, những siêu thị lớn, uy tín tự tìm đến để đặt hàng", anh Đoàn nói.
Những chiếc bánh đạt chất lượng, thơm ngon dần xâm nhập nhiều siêu thị lớn ở miền Bắc.
Là sản phẩm không thể thiếu trong mâm cơm dịp Tết, nên với làng nghề làm bánh chưng, cuối năm là vụ chính, lớn nhất trong năm.
Từ 7h đến 20h, gia đình anh tất bật làm bánh. Hơn 10 nhân công, mỗi người một công đoạn như ngâm, vo gạo, thái, ướp thịt chuẩn bị nhân, gói bánh, hút chân không cho chiếc bánh thành phẩm.
Những đôi tay thoăn thoắt làm bánh, buộc lạt để đủ số lượng 2.000 chiếc bánh mỗi ngày cung cấp cho các siêu thị phía Bắc.
Doanh thu tiền tỷ tháng cận Tết
Trước đây, muốn làm được 2.000 bánh mỗi ngày, gia đình anh phải thuê khoảng 30 lao động. Nhưng hiện nay, chỉ cần 10 nhân công đã làm đủ số lượng bánh theo yêu cầu của khách hàng.
Anh Đoàn cho biết, ứng dụng tự động hóa trong nhiều khâu giúp tiết giảm rất nhiều sức người.
"Trước đây, tôi cần đến vài nhân công xếp bánh. Bánh được nấu bằng củi hàng chục giờ đồng hồ. Sau đó cũng phải bố trí vài người vớt bánh, một khâu khá vất vả, nguy hiểm. Giờ thì chỉ cần một xe cẩu và 4 nồi hơi, xưởng đã cắt giảm rất nhiều sức người", anh Đoàn nói.
4 nồi hơi công suất lớn hoạt động tối đa trong những ngày áp Tết. Những chiếc nồi này giúp bánh chín đều, tránh rủi ro không đều lửa như nấu bếp củi khiến bánh bị lại gạo.
Theo anh Đoàn, công nghệ hiện đại đến đâu, bàn tay con người vẫn là yếu tố quyết định để làm nên những chiếc bánh chưng vuông vắn, dền dẻo, thơm ngon. Có những ngày cao điểm trả hàng, gia đình anh tất bật không kịp nấu cơm ăn.
"Quá bận không kịp nấu bữa cơm, chúng tôi thường bóc bánh chưng ra ăn chống đói", anh Đoàn cười.
Nhìn lại chặng đường dài theo nghề truyền thống trong những năm qua, ông chủ trẻ nhận định, nhu cầu bánh chưng hiện không thay đổi nhiều, vẫn duy trì như xưa nay. Tết Việt không thể thiếu bánh chưng, cả làng tập trung cho thời vụ kéo dài đến hết tháng Chạp.
Còn lại, trong năm nhà anh chỉ làm bánh dịp rằm tháng bảy. Để tránh thời gian nông nhàn, anh làm thêm bánh dày, bánh giò cung ứng cho các cửa hàng.
Cũng chính vì vậy, anh Đoàn dành toàn bộ tháng cuối năm cho mùa vụ bánh chưng. Ngày thường, anh là "giám đốc làm thuê" cho thương hiệu mỹ phẩm tại Hà Nội.
Thời trẻ trai, gia đình động viên anh học tập, trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Anh đã tốt nghiệp nhiều trường, lĩnh vực như quay phim, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh.
Vì lẽ đó, dù bôn ba nhiều nghề khác nhau song nghề gốc của gia đình vẫn được anh Đoàn chăm chút, phát triển.
"Suốt năm, dù làm gì, cứ tháng Tết tôi sẽ về nhà làm bánh chưng", anh Đoàn chia sẻ.
So sánh nghề làm chưng và bán mỹ phẩm, anh Đoàn chia sẻ, bán mỹ phẩm có thể lỗ, còn bánh chưng thì không bao giờ xảy ra chuyện đó.
Chính vì vậy, chỉ hoạt động trong 1 tháng trước Tết, doanh thu của gia đình anh dao động 1-2 tỷ đồng, lợi nhuận 10-15%.
"Nghề gói bánh chưng, làm 1 tháng, ăn cả năm. Nghề này không giàu, còn lâu mới nghèo", anh Đoàn tếu táo.
Bàn tay thoăn thoắt gói bánh chưng, anh Nguyễn Văn Bắc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đến gói bánh thuê cho gia đình anh Đoàn. Từ mùng 4 tháng Chạp, anh đã đến làng Triều Khúc để làm thêm thời vụ.
Ở quê, anh là thợ cơ khí lành nghề. Cuối năm ít việc, anh ra Hà Nội kiếm việc thời vụ thêm thắt thu nhập. Trung bình gói 120-150 chiếc bánh/giờ, mỗi ngày anh Bắc đút túi 500.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà, cả xã hiện có 104 hộ làm bánh chưng khi vào vụ Tết, trong đó có 30 hộ sản xuất thường xuyên trong năm cung cấp cho thị trường Hà Nội và sản xuất theo đơn đặt hàng. Vụ Tết bắt đầu từ 15 tháng Chạp đến hết 27-28 Tết. Khoảng thời gian này, các hộ làm bánh chưng hoạt động hết công suất để kịp trả đơn hàng, trung bình mỗi hộ sản xuất từ 15.000-20.000 bánh. Theo lời vị lãnh đạo xã Duyên Hà, bánh chưng Tranh Khúc hiện chủ yếu cung cấp cho các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội. Các hộ sản xuất bánh chưng chủ yếu dùng nồi điện, nồi hơi để luộc bánh, không còn sử dụng than để bớt gây ô nhiễm môi trường. "Những năm gần đây, đơn hàng có giảm hơn mọi năm do kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều nhà tự gói bánh, nên lượng bánh đặt có giảm hơn. Những năm thời gian nghỉ Tết ngắn số lượng bánh sẽ tăng lên", ông Mão cho biết. |
Theo Dân Trí |