“Cô bé hạt tiêu” Nguyễn Thị Hiếu “ham” thiện nguyện

(CTG) Do bị ảnh hưởng chất độc màu da cam mà chị Nguyễn Thị Hiếu (SN 1987, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) chỉ cao 0,9m như một “cô bé hạt tiêu”. Nhưng bệnh tật, di chứng cũng không thể ngăn cản cố gắng, nỗ lực của cô gái nhỏ muốn cống hiến cho cộng đồng tốt đẹp hơn.

Chị Nguyễn Thị Hiếu sinh năm 1987, tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nhưng chỉ cao 0,9m, nên mọi người hay gọi là “Cô bé Hạt Tiêu”. Đó là hậu quả của chất độc da cam để lại trên cơ thể của ba chị trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước chị còn có người anh tên Nguyễn Ngọc Phương, cũng bị như chị.

Chị Nguyễn Thị Hiếu (SN 1987, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) - 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021

Ngày chị chào đời, ba mẹ chị khóc cạn nước mắt khi thấy chị không giống như bao đứa trẻ khác, chân tay bé tí như que tăm, hai chân không duỗi ra được mà co quắp lên cổ. Bốn tuổi chị chưa biết bò biết đi gì cả, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ. Ba mẹ chị phải đưa chị ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng để thăm khám và điều trị cho chị, ở đây chị được các y bác sĩ mổ sửa chân và từ ngày đó chị đã biết bò biết đi. Tuy nhiên, chị đi lại không được như những người bình thường khác, phải có sự trợ giúp của cây nạng nhưng chị rất vui vì mình đã đi được bằng chính đôi chân của mình tuy có khó khăn và chậm hơn mọi người.

Đi lại được, chị muốn được đi học, được cắp sách đến trường để học cái chữ như các bạn cùng trang lứa. Trong lúc chưa được tới trường, chị lấy sách vở của em trai ra tập đánh vần, tập viết. Cho đến năm 10 tuổi, chị mới được đến trường đi học. Đường làng trơn trượt khó đi nhưng chị vẫn quyết tâm, bám trường, bám lớp cho đến ngày nhận bằng tốt nghiệp. Rời ghế nhà trường, chị được người ở xóm nhờ trông coi tiệm internet ở huyện, mỗi tháng họ trả chị 500.000 đồng, đó là số tiền đầu tiên chị kiếm được. 

Năm 2012, chị nghe tin trường Đại học Đông Á mở lớp công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật và chị đã làm hồ sơ đăng kí học. Sau khi ra trường, chị xin vào công ty INET để làm việc, nhưng thời gian gắn bó không dài do công ty thiếu vốn đầu tư. Nghỉ làm ở công ty, chị mở một quầy báo nhỏ đặt tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng và cũng là năm chị tham gia sinh hoạt ở Hội người khuyết tật quận Cẩm Lệ.

Hàng ngày, chị thức dậy lúc 4h30 sáng đi lấy báo về bấm ghim lại rồi bỏ cho các quán cafe, các nhà đặt báo tháng xong về bán tại quầy. Dù trời mưa hay nắng chị vẫn đều đặn thực hiện làm việc, vì công việc đó là niềm vui đối với chị. Chị vui vì mình đã kiếm được đồng tiền chính đáng bằng mồ hôi công sức mình bỏ ra. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi chị và anh trai đã tích góp mua được căn nhà nhỏ, đón mẹ ra ở cùng.

Ngoài thời gian bán báo, chị tham gia các hoạt động của Hội thanh niên khuyết tật thành phố Đà Nẵng với vai trò là hội viên. Ngày 30/8/2017, Hội tổ chức đại hội và chị được bầu làm Ủy viên ban chấp hành cho đến nay. 

Chị Hiếu tâm sự: “Tôi là người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn nhưng nhìn lại phía sau còn có rất nhiều người khó khăn hơn tôi. Tôi may mắn hơn họ, bởi tôi nói được, suy nghĩ được và tự đi lại được bằng chính đôi chân của mình. Ngoài kia nhiều người muốn như tôi mà không được như thế. Chính vì vậy tôi muốn san sẻ một phần may mắn của tôi cho những mảnh đời cơ cực, khốn khổ”. Nghĩ là làm, chị xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực từ các mạnh thường quân và tổ chức những chuyến thiện nguyện lên vùng núi Nam Trà My, rồi Đông Giang đi sát vào buôn làng tặng những gói bánh, gói mì, mắm muối, gạo cho các hộ dân, sách vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh. 

Năm 2018, chị xin làm tại Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ, hòa nhập cộng đồng (COMICS). Công việc của chị là liên hệ các khu resort, khách sạn, cửa hàng may thu gom vải vụn để may đồng phục học sinh hay các dụng cụ cho nhà bếp bằng các sản phẩm tái chế đã tạo việc làm cho các chị khuyết tật và góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. Cũng trong năm này, chị đã tham gia giải chạy marathon “Chân trần trên cát” do Công ty Green Eco Adventures tổ chức với thông điệp “Hãy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường” để bảo vệ môi trường. Chị cùng một số cộng sự thành lập nhóm “Hòa nhập xanh”, cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, sau khi chị đi bỏ báo xong là chạy xe ra biển, nơi các thành viên của nhóm đã tụ tập chuẩn bị dọn vệ sinh bãi biển.

Mỗi ngày trôi qua là một niềm vui mới lại đến. Có người nói với chị: “Sao không vào ở trung tâm khuyết tật để họ lo cho sướng cái thân, mà đi làm chi cho khổ”, “Thân mình lo chưa xong lại đi lo chuyện người khác”, ... nhưng với tôi đó lại là niềm vui, được làm công việc mình thích mà không phải là gánh nặng của xã hội, được san sẻ yêu thương và được nhìn thấy nụ cười của các em nhỏ khi nhận bánh thì đó là niềm hạnh phúc nhất. “Hãy vui lên, “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” - đó là chia sẻ cũng như lời nhắn nhủ của chị Hiếu đến với cộng đồng những người khuyết tật.

Với đóng góp của mình, chị Hiếu được nhận Giấy khen của Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, hoạt động chi Hội năm 2019, 2020. Đặc biệt, dịp này, chị Hiếu vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích đặc biệt.

Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội.