Nhiều lần thất bại nhưng không nản lòng
Chị Mới (ngụ P.3, TP.Sóc Trăng) kể, khoảng 6 tháng trước, nhiều địa phương ở tỉnh Sóc Trăng còn áp dụng Chỉ thị 16 phòng, chống dịch Covid-19. Điều này khiến nhiều nông dân ở TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phải điêu đứng vì không tìm được đầu ra cho hơn 50.000 tấn củ hành tím.
Lúc đó, nhiều chương trình "giải cứu" củ hành tím đã được phát động với giá bán trung bình là 15.000/kg. Thấy vậy, chị Mới mua ủng hộ gần 200 kg, sản xuất nhiều loạt sản phẩm như hành phi, hành sấy khô, bột củ hành, củ hành ngâm chua ngọt... nhưng đầu ra vẫn hạn chế.
Chị Mới khởi nghiệp thành công từ mứt củ hành tím. THANH DUY |
Tìm hiểu trên mạng, chị Mới nhận thấy củ hành tím còn có thể làm dược liệu, nước uống nhưng cũng kén người tiêu dùng. “Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi nảy ra ý tưởng hay làm mứt củ hành tím. Sản phẩm này sẽ độc đáo, mới mẻ vì chưa phổ biến trên thị trường. Mứt thì có thể ăn thường ngày, đãi khách, làm quà tặng cũng được mà thời gian bảo quản lại rất lâu nữa”, chị Mới chia sẻ.
Sản phẩm mứt củ hành tím được nhiều người ưa thích. THANH DUY |
Theo chị Mới, củ hành tím có mùi hương đặc trưng là nồng và hăng mạnh nhưng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe về huyết áp, tim mạch, lưu thông máu… Ngoài ra, loại nông sản này có màu tím bắt mắt, hậu ngọt và độ giòn tự nhiên nên chị thấy có triển vọng để làm mứt.
Dù trải qua nhiều lần thất bại trong quá trình làm mứt nhưng chị Mới không nản lòng và quyết tâm thực hiện ý tưởng đến cùng.
“Sau khoảng 10 lần thử nghiệm, tôi mới tìm ra được công thức vừa ý, rồi nhờ nhiều người quen ăn thử và đánh giá. Tôi mất 5 - 6 lần điều chỉnh nữa mới ra lò được mẻ mứt hoàn thiện. Mỗi lần không thành công thì tôi mang hành tím đi nấu canh, kho cá”, chị Mới bộc bạch.
Chị Mới rút ra được công thức hoàn chỉnh sau nhiều lần thất bại. THANH DUY |
Nâng tầm giá trị nông sản nổi bật ở quê hương
Các công đoạn chính làm mứt củ hành tím gồm tách vỏ, ngâm nước muối để khử mùi hăng, ủ đường, sên mứt và đóng hộp là bước sau cùng.
"Củ hành tím được chọn phải to, còn tươi để có độ giòn và sẽ được tách ra từng lớp chứ không để nguyên. Khâu này đòi hỏi sự khéo tay vì nếu tách vụn thì mứt không ngon. Phức tạp nhất là khâu ủ đường. Ủ bên ngoài rồi để vào ngăn mát tủ lạnh, sau đó lại đem ra ngoài ủ tiếp", chị Mới chia sẻ.
Mẻ mứt được xem là thành công khi giữ được khoảng 15% mùi hương đặc trưng của củ hành tím, không phai màu tự nhiên, ăn thấy dai. THANH DUY |
Chị Mới cho biết thêm: “Nếu ủ sai cách, không đủ thời gian thì mứt sẽ còn mùi hăng rất khó ăn. Ngược lại, ủ quá lâu thì mứt sẽ mềm nhũn, tươm nước khi sên trên bếp. Mẻ mứt được xem là thành công khi giữ được khoảng 15% mùi hương đặc trưng của củ hành tím, không phai màu tự nhiên, ăn thấy dai”.
Trong 5 tháng qua, chị Mới đã bán được gần 1.200 hộp mứt, loại 200 gram, với giá 300.000 - 350.000 đồng/kg. "Dù chưa phổ biến trên thị trường nhưng sản phẩm này vẫn được nhiều người ưa chuộng. Tôi cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các cửa hàng tiện ích, siêu thị", chị Mới cho hay.
Sản phẩm góp phần làm đa dạng đầu ra, nâng tầm giá trị cho củ hành tím Sóc Trăng. THANH DUY |
Theo chị Mới, để làm được 1 kg mứt cần khoảng 3 kg củ hành tím nguyên liệu. Trung bình mỗi tháng, chị Mới cần mua gần 1 tấn củ hành tím từ nông dân.
Tưởng không thành công nhưng thành công không tưởng với sản phẩm mứt củ hành tím, chị Mới cho biết vô cùng phấn khởi vì góp phần làm đa dạng đầu ra, nâng tầm giá trị loại nông sản nổi bật ở quê hương đồng thời tạo việc làm thêm cho 10 lao động gần nhà.
Theo TN