Cô giáo dân tộc La Ha - “mẹ hiền thứ 2” của học sinh xã nghèo Nậm Giôn

(CTG) Sinh ra ở vùng “rốn” nghèo của huyện Mường La, tỉnh Sơn La, dù cuộc sống bản thân khó khăn trăm bề, cô giáo dân tộc La Ha Quàng Thị May (SN 1985, Trường Mầm non Nậm Giôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) vẫn kiên trì lãnh trọng trách “mẹ hiền thứ 2” của học sinh nơi đây.

Công tác tại chính quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, cô Quàng Thị May hiểu hơn ai hết sự lam lũ, vất vả khi làm nghề “nuôi dạy trẻ” ở mảnh đất này. Đường sá đi lại không thuận tiện, cơ sở vật chất lớp học thiếu thốn, nhận thức của học sinh không đồng đều, nên dẫn đến kết quả dạy và học chưa cao. Một số phụ huynh không am hiểu về việc học và các chế độ chính sách của con em mình. Người giáo viên mầm non nơi đây không chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc và truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho trẻ mà còn phải biết tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về tầm quan trọng của việc học của các con để quan tâm hơn đến việc học của con em mình.

Cô Quàng Thị May – giáo viên Trường mầm non Nậm Giôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La

Nhận thức được điều này, cô May đã gần gũi với trẻ, tìm hiểu về gia đình các em, tranh thủ gặp gỡ phụ huynh trao đổi về vấn đề khó khăn của gia đình để cùng tháo gỡ và thuyết phục cha mẹ cho con em đến lớp. Cô còn cùng với Nhà trường vận động các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 78 để giúp khắc phục phần nào sự thiếu thốn về cơ sở vật chất ở trường học và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dần dần, phụ huynh cũng cảm thông, chia sẻ với cô May và khuyến khích con em đến lớp nhiều hơn, chất lượng dạy và học ngày càng đi lên.

Bản thân cô luôn đối xử công bằng với tất cả học sinh, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân trẻ, không phân biệt hay kỳ thị về giới tính, sắc tộc, tôn giáo hay địa vị, kinh tế cũng như hoàn cảnh gia đình của trẻ, luôn cởi mở và vui vẻ với trẻ, tích cực tìm hiểu về gia đình của trẻ, luôn giúp đỡ và động viên trẻ đi học đều. Vì vậy, cô được nhiều học sinh tin yêu, phụ huynh mến phục.

Thế nhưng, khó khăn và thách thức không chỉ đến trong công tác, bản thân cô May đang là thu nhập chính trong gia đình để nuôi hai con ăn học do chồng cô chưa có công ăn việc làm. Cô lại có tình trạng sức khỏe không tốt, thường xuyên đau ốm nên việc đảm bảo tốt vai trò người mẹ, người giáo viên đối với cô lại càng khó khăn hơn bội phần.

Vậy mà, bất chấp tất cả, với tâm niệm giáo viên mầm non luôn phải dành tình yêu thương cho trẻ, chăm sóc, giáo dục trẻ đúng như vai trò của “người mẹ hiền thứ 2”, cô May vẫn kiên trì, bền bỉ bám trụ với nghiệp giáo dục mầm non suốt 16 năm qua.

“Tôi tin rằng là một người giáo viên mầm non càng dành nhiều tình yêu thương sẽ càng giúp cho bản thân vượt qua những khó khăn và thử thách trong công việc chăm sóc giáo dục trẻ... Vì thế, tôi luôn phấn đấu, luôn dành nhiều tâm huyết với công việc cũng như trong công tác giảng dạy, luôn yêu thương ân cần đối với học sinh, luôn chăm sóc tận tụy với trẻ.” – cô May xúc động chia sẻ.

Với tâm huyết và cống hiến cho công tác giáo dục tại địa phương, cô May vinh dự là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.