Cô giáo Giẻ - Triêng cần mẫn “gieo” chữ gần 9 năm nơi rẻo cao

(CTG) Gần 9 năm "bám" trường miền núi, cô giáo dân tộc Giẻ - Triêng Trần Thị Hoa (SN 1988, Trường THPT Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn miệt mài cống hiến cho sự tiến bộ giáo dục của vùng cao, là tấm gương sáng để con em đồng bào dân tộc học tập và noi theo.

Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Bắc Trà My, chảy trong mình dòng máu dân tộc Giẻ - Triêng, cô giáo Trần Thị Hoa cảm thấy hạnh phúc khi được ngày ngày giúp đỡ các em học sinh dân tộc tiến bộ trong học tập, đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” nơi đây.

Cô giáo Trần Thị Hoa hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm môn hóa học

Từ năm 2012 đến nay, cô được phân công công tác tại trường THPT Bắc Trà My. Đây là ngôi trường có hai thành phần học sinh: học sinh người Kinh và học sinh các dân tộc thiểu số không được xét tuyển vào trường nội trú của huyện hoặc tỉnh. Trong đó, cô đa phần làm chủ nhiệm các lớp của học sinh dân tộc với trình độ tiếp thu còn gặp nhiều hạn chế do đặc thù về gia đình và điều kiện kinh tế - xã hội. Các em học sinh trường cô là từ các xã xa xôi xuống tập trung tại thị trấn để học tập. Hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đa số học sinh chưa được sự quan tâm của gia đình, chưa chăm ngoan học tập. Nhiều học sinh còn phải đi học xa, đường sá đi lại khó khăn…

Thấy được những khó khăn đó của các em, trong quá trình dạy học và chủ nhiệm, cô luôn sâu sát tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng học sinh trong lớp, uốn nắn kịp thời những sai sót lệch lạc của từng học sinh. Đồng thời, luôn đề ra những phương pháp phù hợp để nâng cao chất lượng học tập, phát huy vai trò tự quản của học sinh, nhất là ban cán sự lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học yếu, tận tình, hướng dẫn học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động của lớp, trường.

Khi đứng lớp, ngoài truyền kiến thức, cô luôn cố gắng truyền cảm hứng cho học sinh, luôn giữ lời hứa với học sinh, tham gia tích cực các hoạt động của các đoàn thể, làm tấm gương cho học sinh để các em thấy rằng người đồng bào dân tộc cũng có thể làm tốt nhiều việc, từ đó giúp các em dạn dĩ hơn, tự tin hơn, có ý thức học tập tốt hơn.

Cô Hoa kiểm tra bữa ăn nội trú của học sinh

Ngoài việc giảng dạy trên lớp, các buổi không có tiết và buổi tối, cô thường đến các khu trọ và khu nội trú của học sinh, để nắm bắt tình hình ăn, ở, đau ốm của các em để kịp thời giúp đỡ và hướng dẫn các em tự học. Có những lần cô đi bộ hàng tiếng đồng hồ để đến viếng người thân đã khuất của học sinh. Cũng có hôm nửa đêm nhận điện thoại báo học sinh đau ốm, không người thân bên cạnh, cô không nề hà đưa các em vào viện và tận tình chăm sóc…

Dẫu gian khổ là vậy, gần 9 năm qua, cô Hoa vẫn miệt mài, cần mẫn với công việc “gieo chữ” và chăm lo đời sống tinh thần cho các em học sinh dân tộc thiểu số nơi đây. "Thời gian qua, tôi thấy thật may mắn khi mình đã chọn đúng nghề, được tiếp xúc và dạy dỗ trực tiếp các em học sinh bằng cả tấm lòng và sự nhiệt huyết. Bản thân tôi luôn nỗ lực, không ngừng học hỏi, cố gắng hoàn thành thật tốt mọi công việc, hi vọng sẽ góp một phần tiến bộ vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà." - cô Hoa bộc bạch.

Với những đóng góp của mình, cô Hoa vinh dự nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh, giấy khen của BCH Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam, Chứng nhận đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của Tỉnh đoàn Quảng Nam… Đặc biệt, dịp này, cô Hoa là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.