Cô giáo Khmer hơn 12 năm “gieo” chữ nơi vùng sâu

(CTG) Dù là lúc phòng học dột, tường bong tróc, đường sá sục bùn đất khi mưa lớn…, cô giáo dân tộc Khmer Thị Chanh Sóc The (SN 1987, Trường tiểu học Thạnh Yên 2) vẫn quyết tâm “bám” nghề dạy chữ tại xã vùng sâu Thạnh Yên của huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang suốt hơn 12 năm qua.

Ngày đầu tiên đến nhận công tác, cô giáo Thị Chanh Sóc The được nhà trường phân công dạy lớp 2, điểm Xẻo Tôm, Trường Tiểu học Thạnh Yên 1, thuộc xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Cô giáo Thị Chanh Sóc The tận tình chỉ dạy học sinh làm bài trên lớp

Điểm lẻ Xẻo Tôm có 4 lớp với 112 học sinh, nhưng đều là học sinh người dân tộc Khmer. Trong tổng số hộ có con em theo học có hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn chiếm hơn 90%. Đa số con em đồng bào dân tộc Khmer, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Học sinh đến lớp không có dép để mang, không có áo trắng để mặc, còn rụt rè nhút nhát chưa thành thạo tiếng phổ thông để giao tiếp, lớp học một buổi/ ngày. Có những em đã đến giờ đi học mà còn ở ngoài đồng bắt cá, mò ốc,… hoặc ra rìa sông lớn, bắt những con vọp để phụ giúp gia đình.

Vì là điểm lẻ nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường sá đi lại sục bùn đất mỗi khi mưa lớn, phòng học dột, tường bong tróc… Diện tích sân chơi nhỏ, chưa được bê tông hóa, mỗi khi trời mưa, các thầy cô phải tất tả dọn dẹp bùn đất để học sinh không bị lấm bẩn khi vui chơi.

Công tác được 2 năm ở Trường tiểu học Thạnh Yên 1 thì có quyết định chia tách, thành lập thêm một trường có tên là Trường tiểu học Thạnh Yên 3. Từ khi chia tách đến nay, mặc dù trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp và ngành chức năng của huyện nhưng do huyện nghèo, địa bàn rộng, lại có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho trường gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, đồ dùng dạy học của giáo viên chủ yếu do giáo viên tự làm bằng vật liệu sẵn có nên mau hư hỏng và hiệu quả không cao.

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ sự động viên, sẻ chia sẻ đồng nghiệp, đặc biệt là tình cảm quý mến cùng những ánh mắt thơ ngây của các em học sinh nơi đây, cô The đã vượt qua để nỗ lực truyền thụ kiến thức cho học sinh qua từng bài giảng. Tranh thủ giờ ra chơi, cô còn ân cần trò chuyện, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của từng em để cô trò thêm gần gũi và tạo thuận lợi cho việc giảng dạy, giáo dục các em.

Thời gian cứ thế trôi qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm, Trường tiểu học Thạnh Yên 3 giờ đây đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại như bảng, kệ, bàn ghế, ti vi, máy chiếu… theo quy chuẩn và được Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện U Minh Thượng chọn làm “trường điểm” dạy theo mô hình trường học mới (VNEN). Đồng thời, các em học sinh hoàn cảnh khó khăn cũng được hỗ trợ đồ dùng học tập, đồng phục... Nhờ thế, tình trạng bỏ học giữa chừng gần như không có, tỉ lệ chuyên cần cao. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập tốt hơn giúp nâng cao chất lượng dạy và học nên trong những năm học vừa qua, nhiều em học sinh đã đạt được thành tích cao trong các cuộc thi viết chữ đẹp, giải toán bằng tiếng Anh, giao lưu tiếng Việt của chúng em… Riêng Trường Tiểu học Thạnh Yên cũng đã 3 hai năm liền đạt được thành tích xuất sắc trong khối thi đua cụm; 4 năm liền lao động xuất sắc cấp tỉnh; 2 năm liền bằng khen tập thể cấp tỉnh; 4 năm liền lao động tiên tiến cấp huyện và 4 năm liền giấy khen cấp huyện. Cô The rất tự hào vì đã góp phần nhỏ vào thành tích chung ấy.

 

Cô The và học sinh trong một hoạt động của Trường tiểu học Thạnh Yên 3

12 năm trôi qua, dẫn dắt bao thế hệ học trò ở mái trường này, điều làm cô The tự hào nhất là được đồng hành, sẻ chia, trang bị hành trang kiến thức cho những cô cậu học trò đáng yêu, hồn nhiên, vô tư nơi đây chuẩn bị bước lên cấp 2. Chính sự tinh khôi, thông minh, ngộ nghĩnh của các em là động lực, là sợ dây vô hình kéo cô nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để đem đến cho các em những bài học hay cả trong trang sách và cuộc sống. Không giấu nổi niềm xúc động, cô The nói: “Thành công của tôi đơn giản chỉ là cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ là khi nhìn thấy các em trưởng thành, là khi được thấy các em vui chơi hồn nhiên, là khi các em biết lễ phép, biết vâng lời. Hạnh phúc là khi các em biết chia sẻ, biết quan tâm đến nhau. Hạnh phúc khi thấy các em biết nỗ lực, cố gắng vượt lên chính mình. Cũng như biết nhận lỗi và sửa lỗi, hay đơn giản chỉ vì các em mỗi ngày đến lớp chuyên cần.”

“Tôi tự khẳng định với bản thân là không chọn nhầm nghề cũng như đơn vị công tác. Vòng đời xô bồ không đoán trước được điều gì nhưng tôi vẫn hạ quyết tâm dù có thế nào đi nữa tôi vẫn hết lòng vì nghề mình đã chọn. Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi nhiều bài học cũng như nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đầy những yêu thương và trách nhiệm trong công việc.” – cô The chia sẻ.

Với những đóng góp cho công tác giáo dục tại địa phương, cô The vinh dự nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi” cấp huyện, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”…

Đặc biệt, dịp này, cô The là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.