Cô giáo Lô Lô và ước mơ “trồng người” nơi cực Bắc Tổ quốc

(CTG) Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em, bố mất sớm, cô giáo dân tộc Lô Lô Dìu Thị Quyến (SN 1980, Trường mầm non Liên Cơ, Đồng Văn, Hà Giang) vẫn vươn lên học tập bằng nghị lực phi thường và chắp cánh cho ước mơ đến trường của các em nhỏ nơi cực Bắc Tổ quốc.

Từ tuổi thơ đi bộ 24km để học chữ

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn – 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước của tỉnh Hà Giang, cô Quyến không may mắn mất bố sớm do vướng phải mìn khi đi cắt cỏ. Một mình mẹ cô phải vất vả nuôi 5 anh chị em cô. Với tình cảnh đó, cô phải ở nhà phụ giúp, đỡ đần mẹ làm việc thay vì được đến trường như bạn bè cùng trang lứa khác. Tuy vậy, nhìn chúng bạn được đến trường học chữ, trong cô luôn nhen nhóm ngọn lửa khát vọng được đặt chân đến trường để chạm đến ước mơ thoát mù chữ, thoát nghèo.

Cô giáo Dìu Thị Quyến trong trang phục dân tộc Lô Lô tại một sự kiện ở địa phương

Đến năm 9 tuổi, thấy cô quyết chí đi học, mẹ và các anh đã tạo điều kiện để cô đến trường học ở thị trấn Đồng Văn, cách nhà 24km. Phải đi bộ đường đồi núi suốt hơn 20 cây số nhưng cô cũng chẳng thấy mệt mỏi vì biết rằng ngôi trường mình mơ ước đang ở phía trước. Không biết qua bao nhiêu lần hỏi “Anh ơi sắp tới nơi chưa?”, cuối cùng, cô cũng đặt chân đến nơi mở ra cánh cửa tri thức mà từ đó đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên mầm non để chăm sóc và vun đắp ước mơ đến trường cho trẻ em vùng cao.

Đến chắp cánh ước mơ đến trường cho trẻ em vùng cao

Bước vào lớp 1 khi đã 9 tuổi, phải vượt qua nỗi nhớ nhà nhưng cô Quyến đã tự nhủ phải cố gắng vượt qua vì các anh, chị và vì một tương lai tốt đẹp hơn. Cô đã không ngừng nỗ lực để vừa học tiếng phổ thông, vừa theo học kiến thức trên lớp. Cứ như vậy, bằng sự cố gắng của bản thân, cô đã tốt nghiệp phổ thông và quyết định đi học trung cấp mầm non tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang với ước mơ chắp cánh ước mơ đến trường cho các em nhỏ nơi cực Bắc Tổ quốc.

Cô Dìu Thị Quyến tích cực tham gia các hoạt động của trường

Sau khi ra trường, cô được phân công công tác tại trường mầm non Liên Cơ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trong quá trình công tác, cô luôn được ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn và các đồng nghiệp đi trước dìu dắt, giúp đỡ. Với sự nỗ lực học hỏi không ngừng, yêu nghề, mến trẻ, cô Quyến luôn được học sinh yêu quý, phụ huynh tin tưởng.

Với hơn 13 năm cống hiến cho công tác giáo dục tại địa phương, cô đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”…

Đặc biệt, dịp này, cô Quyến là 1 trong 63 gương giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các đơn vị phối hợp nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.