Cô giáo Tày thổi luồng gió mới trong phương pháp dạy ngoại ngữ cho học sinh miền núi

(CTG) Hơn 5 năm công tác ở huyện miền núi tỉnh Bắc Kạn, cô giáo Nguyễn Thị Thùy (SN 1991, Trường Phổ thông Cơ sở Nam Mẫu, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) luôn lắng nghe tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương pháp nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh khó khăn nơi đây.

Cô Nguyễn Thị Thuỳ được sinh ra và lớn lên ở vùng đất miền núi Bắc Kạn, ngay từ nhỏ cô đã mơ ước trở thành một cô giáo vùng cao. Để thực hiện được ước mơ đó, cô đã luôn cố gắng học tập thật tốt để sau này có cơ hội thi đỗ vào trường sư phạm.

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy 

Niềm mong ước đó đã trở thành hiện thực, ngày về nhận công tác tại ngôi trường Phổ thông cơ sở Nam Mẫu nằm ngay trên bờ hồ Ba Bể cô đã rất vui mừng. Mỗi khi đi qua sân trường, bao ánh mắt thơ ngây của các em học sinh vùng cao đang dõi theo cô giáo trẻ, lúc đó tự trong lòng cô đã hứa sẽ cố gắng thật nhiều để các em học sinh học hành tiến bộ, sau này không còn vất vả làm nương làm rẫy nữa. 

Trong những năm công tác về sau, là một giáo viên bộ môn Tiếng Anh, cô luôn trăn trở, luôn cố gắng nghiên cứu, trau dồi phương pháp nhằm nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho các em học sinh. Từ năm học 2019-2020, cô đã cố gắng áp dụng những biện pháp nâng cao kỹ năng giao tiếp cho các em học sinh, sử dụng Tiếng Anh nhiều hơn trong giao tiếp, trong hoạt động dạy và học, giúp các em tự tin hơn.

 Với đặc trưng là trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đa phần học sinh đều là con em dân tộc H’Mông, Dao vậy nên khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn khó khăn, kiến thức xã hội còn rất hạn chế, các em chưa được làm quen với bộ môn Tiếng Anh ở cấp tiểu học, các em bị thiếu hụt từ vựng và các cấu trúc câu, nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền tải kiến thức. Thêm vào đó, trong các giờ học trên lớp, học sinh bắt buộc phải học tập, nghiên cứu bằng tiếng Phổ thông nên đã nảy sinh tâm lý e ngại, rụt rè, sợ nói ngọng, mắc lỗi khi nói, sợ bị bạn bè chê cười, ngượng ngùng khi phải trình bày hay trả lời câu hỏi trước lớp. Do học sinh không tự tin nói tiếng phổ thông nên sẵn sàng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng H’Mông, tiếng Dao) ngay trong lớp, nhiều khi giáo viên phải nói lại bằng tiếng địa phương hoặc nhờ các học sinh khác dịch sang tiếng địa phương thì các em mới hiểu được. Như vậy, phải thông qua 2 - 3 lượt giao tiếp học sinh mới có thể hiểu được nội dung truyền đạt của giáo viên và ngược lại. 

Sau buổi học, cô đã chủ động gần gũi, giúp đỡ các em nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, giúp các em làm quen dần với cuộc sống của vùng thấp, rút ngắn khoảng cách thầy trò để các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Việc trò chuyện cùng các em đã giúp các em rèn luyện tiếng phổ thông nhiều hơn và đó là cầu nối cho các em chuyển dần từ tiếng phổ thông sang ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. 

Theo phương pháp đổi mới, học sinh THCS được khuyến khích sử dụng Tiếng Anh càng nhiều càng tốt tùy theo trình độ của đối tượng. Trong lớp học cần tạo cơ hội cho học sinh giao tiếp bằng nhiều hình thức: Teacher- Whole class, Teacher – Students , Students –Students. Giáo viên là người hướng dẫn các em làm quen với đàm thoại từ những tình huống đơn giản đến đàm thoại theo chủ điểm chủ đề. Trong các hoạt động trên lớp, thường thường giáo viên cần sử dụng tiếng Anh đối với những câu lệnh, đôi khi phải dùng Tiếng Việt khi giới thiệu ngữ liệu khó và đôi khi sử dụng cả hai ngôn ngữ.

Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh ngoài giờ lên lớp. Đầu tiên đó phải kể đến việc học sinh và giáo viên giao tiếp bên ngoài giờ học. Giáo viên tạo thói quen khi gặp bên ngoài, học sinh và giáo viên chào nhau bằng tiếng anh với các câu chào tương tự như: Good morning/ Afternoon... Đối với học sinh học khá hơn có thể hỏi học sinh đang làm gì: What are you doing? Where are you going? … Bên cạnh đó, cô đã chủ động kết nối, liên hệ với các Homestay đưa các em đến giao tiếp, thực hành với người nước ngoài. Thường thì các em sẽ được vui chơi hoặc tham gia các hoạt động văn nghệ cùng với các du khách nước ngoài. Trong quá trình hoạt động sôi nổi, các em đã bớt dè dặt và sử dụng Tiếng Anh nhiều hơn. 

Qua việc áp dụng các biện pháp nâng cao khả năng, năng lực giao tiếp cho học sinh, các em đã mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp, hầu hết các em học sinh có thể giao tiếp với người nước ngoài, giới thiệu thông tin cá nhân, nói về những cảnh đẹp tại địa phương.

Với những đóng góp của mình cho công tác giáo dục, cô Thùy vinh dự đạt thành tích xuất sắc trong các Hội thi cấp tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, cô Thùy vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.