Cô giáo Tày vượt chông gai, bền bỉ “gieo” chữ nơi rẻo cao

(CTG) Gia cảnh khó khăn, một mình phải vừa đi dạy, vừa tranh thủ làm thêm đến nửa đêm, nhưng cô giáo dân tộc Tày Hoàng Thị Cúc (SN 1986, Trường PTDTNT Sơn Động) vẫn không từ bỏ ước mơ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở huyện vùng cao Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã mong ước trở thành một giáo viên, mong một ngày được đứng trên bục giảng để truyền đạt những bài học bổ ích cho lớp lớp học trò. Với cô, hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng và cao đẹp bởi đó là nghề giúp đào tạo nên những con người vừa có đức, vừa có tài để cống hiến cho gia đình và xã hội.

Cô giáo Hoàng Thị Cúc giảng bài cho học sinh Trường PTDTNT Sơn Động, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

Năm học 2014 – 2015, cô dạy hợp đồng tại trường THCS Dương Hưu - Sơn Động đây là một trường vùng cao của huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Mức lương cho một giáo viên hợp đồng lúc bấy giờ chỉ được 2.700.000 đồng. Tới năm 2016, mức lương tăng lên được hơn 3.000.000 đồng. Gia đình chồng cô trong diện cận nghèo của huyện. Chồng cô khi đó sức khỏe yếu, không có việc làm khiến gia đình cô lâm vào cảnh túng quẫn.

Cô trở thành trụ cột chính chỉ với mức lương hơn 3.000.000 đồng. Tiền lương không đủ để trang trải cho cuộc sống nên ngoài giờ đi dạy, cô phải tranh thủ làm thêm rất nhiều công việc như: bán đồ ăn, đồ uống, phụ rửa cốc chén,… Có những hôm làm thêm buổi tối, cô chạy bàn và rửa cốc chén tới tận 23h30, chân tay mỏi rã rời, lê bước về nhà nhưng vẫn cố gắng chuẩn bị bài cho tiết học ngày hôm sau.

Nhà cô lại cách trường hơn 20km, cả đi cả về đã mất hơn một tiếng đồng hồ. Có những ngày trời mưa khiến con đường liên xã từ nhà cô tới trường trở nên lầy lội, chiếc xe cà tàng lấm lem bùn đất bị tắt máy giữa đường khiến cô dở khóc, dở cười vì chẳng biết làm như thế nào. Nhìn con đường, nghĩ tới hoàn cảnh khó khăn lúc đó, cô tự đặt ra cho mình biết bao nhiêu câu hỏi: Làm thế nào để vượt qua được những khó khăn để tiếp tục được cầm phấn đứng trên bục giảng? Rồi đam mê, nhiệt huyết và lòng yêu nghề quan trọng hay kiếm sống là quan trọng?... Nhưng chính mỗi lần tới trường được sự sẻ chia, yêu thương từ đồng nghiệp và đặc biệt là các thành tích học sinh giỏi đạt giải các môn văn hóa, thể dục thể thao của các em học sinh là động lực giúp cô có thể vượt qua những ngày tháng đầy khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Giờ đây, cô là một giáo viên của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Sơn Động, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trường chuyên biệt, dành cho con em các dân tộc thiểu số thuộc các thôn bản ở các xã đặc biệt khó khăn. Trường cách trung tâm tỉnh lị 80 km về phía Đông Bắc. Nhà trường cũng như các thầy cô nhận thấy công việc của những giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số như cô cũng còn không ít những khó khăn, thách thức như: Học sinh dân tộc thiểu số sức khỏe, thể chất còn chưa đạt được mức trung bình, Trình độ dân trí, đời sống của người dân nơi đây còn chưa đồng đều, nên phó mặc con cái mình cho giáo viên, nhà trường chăm sóc…  

 

Cô Cúc cùng các học sinh tham gia trồng rau xanh tại trường

Với sức trẻ và trách nhiệm của giáo viên, cô ý thức được rõ trách nhiệm của một nhà giáo chân chính, bởi: “Gốc rễ có vững bền, cành lá mới sum suê, mới mang lại hoa thơm, trái ngọt, tỏa bóng mát cho đời”.

Bản thân cô cũng luôn phát huy tinh nhiệt huyết, tình nguyện, sáng tạo cùng BCH Đoàn trường đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên của trường đi lên, từ đó, trở thành đội quân xung kích của nhà trường, hoạt động đạt hiệu quả tốt và luôn đạt tiêu chuẩn Đoàn trường vững mạnh. Hoạt động Đoàn, Hội của trường thực sự trở thành môi trường rèn luyện, tạo không khí vui tươi, cổ vũ tinh thần học tập của học sinh. Những đóng góp của cô nhận được sự ghi nhận, động viên của các cấp bộ Đoàn, Hội.

“Con đường phía trước chắc chắn còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi nguyện sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục khó khăn của bản thân, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện, tu dưỡng tác phong, trau dồi phẩm chất đạo đức để không phụ lòng tin yêu của các thế hệ học trò” – cô Cúc chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, cô Cúc vinh dự là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các đơn vị phối hợp nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.