Có một nơi những người khuyết tật sống với nhau như một gia đình

(CTG) Gần 20 năm nay, chị Vì Thị Thuận đã thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa để tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp họ ổn định cuộc sống.

Bản Lác ở xã Chiềng Châu (H.Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) là một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, trong đó có những mặt hàng dệt thổ cẩm độc đáo của xưởng may Hoa Ban+ (thuộc cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa do chị Vì Thị Thuận làm giám đốc). Các sản phẩm thổ cẩm đó do những người khuyết tật tạo ra.

Có một nơi những người khuyết tật sống với nhau như một gia đình- Ảnh 1.
 

Chị Thuận là một nghệ nhân dệt thổ cẩm có tiếng ở bản Lác

TRẦN THỊ THÚY VÂN

Chị Thuận cho biết chị là người dân tộc Thái và sinh ra trong một gia đình nghèo ở Mai Châu. Vốn nhanh nhẹn, cầu thị, chị không chỉ trở thành một nghệ nhân dệt thổ cẩm có tiếng ở Mai Châu mà còn quảng bá sản phẩm đi nhiều nơi. Khi thấy nhiều chị em phụ nữ khuyết tật ở bản Lác không có công ăn việc làm hoặc phải đi làm xa nhà, chị Thuận rất đồng cảm và đi đến ý tưởng thành lập cơ sở dạy nghề.Năm 2008, chị dồn hết số vốn ít ỏi để thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa, đầu tư máy may, khung dệt, nhà xưởng... "Lúc đầu cũng có người nói ra nói vào bảo tôi thu lợi ích cá nhân nên cũng buồn, nhưng tôi vẫn kiên trì đi vận động chị em khuyết tật tham gia", chị Thuận cho biết.

Ban đầu chị thành lập xưởng dệt Hoa Ban+ chỉ có 5 chị em khuyết tật. Đặc biệt nhiều chị em còn chưa từng cầm vào mũi kim sợi chỉ. "Việc dạy nghề cho chị em phụ nữ khuyết tật rất khó khăn, nhiều lúc phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn chi tiết trên khung dệt, thậm chí có lúc tôi không biết dạy từ đâu", chị Thuận cho biết.

Song, bằng sự đồng cảm và chân thành, chị Thuận đã kiên trì dạy chị em dẫu có mất nhiều thời gian hơn so với người bình thường. Thành viên gia nhập xưởng cứ thế tăng lên và chị Thuận đều nhận vào dạy nghề miễn phí. Đặc biệt đối với chị em khuyết tật chị chu cấp 100% chi phí ăn ở, sinh hoạt. Chị còn dựng riêng một gian nhà cho họ ở với nhau như người trong gia đình.

Từ những cơ thể còn khiếm khuyết, Hoa Ban+ đã dệt nên những sản phẩm hoàn chỉnh, đa dạng như áo, váy, gấu bông, túi xách, ví, rèm cửa, vỏ gối, tranh... Những sản phẩm của họ mang đậm nét văn hóa người dân tộc Thái. Khi máy may công nghiệp tràn về, chị Thuận nói không với hàng thêu máy để gìn giữ nghề thêu tay độc đáo của người dân tộc Thái và coi đây là điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch. Hiện nay chị cũng đã dựng Hoa Ban homestay để đón khách du lịch lưu trú.Chị Hà Thị Hoan, làm việc ở cơ sở, cho biết: "Trước đây tôi chỉ làm nghề nông, thu nhập rất thấp. Từ khi biết đến xưởng may, tôi sang đây học và làm việc ở đây. Hiện thu nhập của tôi cũng được từ 4 - 5 triệu đồng/tháng".

Hiện nay, Hoa Ban+ của chị Thuận đang có 35 chị em làm việc, đặc biệt 100% là người dân tộc thiểu số, 30% là người khuyết tật, thu nhập bình quân của mỗi chị em khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Trường hợp của chị Bùi Thị Hiền bị tai nạn giao thông và mất khả năng đi lại năm 2013 cũng rất đáng thương, thấy vậy chị Thuận đã không ngần ngại nhận Hiền vào làm việc, giúp chị ổn định cuộc sống.

Bà Hà Thị Xiểng, làm việc tại cơ sở, cho hay: "Ở đây mọi người quý mến nhau như một gia đình nên không khí làm việc rất vui vẻ và chia sẻ mọi khó khăn để giúp đỡ nhau. Tôi thấy cô Thuận rất tốt, quan tâm đến chị em trong xưởng, đặc biệt các chị em khuyết tật. Chúng tôi thường tâm sự với nhau chuyện gia đình giúp tinh thần phấn chấn hơn".

Theo TN