Công tác bảo vệ môi trường: Chuyển từ nhận thức sang hành động

(CTG) Ngày 18.11, phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 3 (năm 2010) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng nhiều đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành ở trung ương và địa phương...



Năm năm qua là giai đoạn thành công nhất về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ MT: Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, và 66 văn bản dưới luật được ban hành, tạo nên một hệ thống pháp luật tương đối toàn diện và đồng bộ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ MT. Kèm theo đó việc hình thành một bộ máy quản lý nhà nước về môi trường. Bộ máy quản lý này đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải tại các khu công nghiệp, quản lý nhập khẩu phế liệu, bảo vệ môi trường làng nghề, các lưu vực sông, quản lý chất thải rắn và nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển kinh tế, đô thị. Công tác phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, được triển khai ở nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản; cải tạo, phục hồi môi trường nước lưu vực sông, phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật. Trong số 439 cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng phải hoàn thành xử lý triệt để giai đoạn 1, đã có 325 cơ sở ra khỏi danh sách, 114 cơ sở đang tích cực triển khai các giải pháp xử lý.

Hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai có hệ thống; từ việc thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học; đến việc triển khai các dự án quốc tế về bảo tồn, đến việc triển khai các hướng nghiên cứu ứng dụng phục vụ công tác quản lý đa dạng sinh học như quan trắc, quy hoạch, bồi hoàn đa dạng sinh học, đánh giá mức độ tổn thương các hệ sinh thái... Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường được triển khai liên tục. Công tác kiểm soát ô nhiễm không khí, ô nhiễm MT công nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm... Quán triệt quan điểm “đầu tư vào bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển”, nguồn kinh phí từ đầu tư xây dựng cơ bản, ODA bố trí xây dựng các công trình xử lý môi trường; hỗ trợ các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng, hình thành ngân sách chi sự nghiệp môi trường với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước.

Công tác môi trường là hoạt động toàn xã hội, việc truyền thông, nâng cao nhận thức được chú trọng. Có khoảng 85% quy ước, hương ước cộng đồng có nội dung, quy định về bảo vệ môi trường. Nhiều cuộc thi về MT, mô hình tốt, gương người tốt trong bảo vệ MT xuất hiện ngày một nhiều có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tổng kết công tác bảo vệ MT 5 năm qua, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT nêu rõ một số hạn chế cần khắc phục: Thời gian qua một số quy định pháp luật về bảo vệ MT bộc lộ sự bất cập, có sự chồng chéo với các luật khác có liên quan, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu hội nhập quốc tế; Hệ thống tổ chức chuyên môn còn yếu về chất lượng; Công tác bảo vệ MT, kiểm soát ô nhiễm tại một số khu vực trọng điểm còn nhiều bất cập...

Cùng với những thành tựu đầy ấn tượng về KT-XH, công tác bảo vệ MT nước ta đã chuyển sang một trang mới từ nhận thức đến hành động. Trong giai đoạn mới hoạch định và thực hiện chiến lược 10 năm về phát triển KT-XH (2010-2020), chúng ta vẫn phải kiên trì với các quan điểm, mục tiêu đã đề ra, từng bước giải quyết các vấn đề môi trường. Từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân nhận thức đúng mức về công tác bảo vệ MT; ý thức bảo vệ MT tạo thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư; thúc đẩy công tác xã hội hóa bảo vệ MT và quản lý tài nguyên thực sự hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển bền vững đất nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã biểu dương và ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực môi trường của nước ta thời gian qua. Đồng thời, nêu rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, không hy sinh lợi ích môi trường vì lợi ích kinh tế, cũng như cụ thể hóa những hành động bảo vệ theo các cam kết đã ký kết với quốc tế. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường; sử dụng hợp lý ngân sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm phát luật về bảo vệ MT...

Tôn vinh 74 điển hình bảo vệ môi trường

Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần 3, tối 17.11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Bộ TN&MT tổ chức lễ tuyên dương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường. Đến dự lễ tuyên dương có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cùng đại diện các Bộ, ban, ngành TƯ và địa phương. Tại buổi lễ, 74 cá nhân, tập thể và cộng đồng tiêu biểu trên cả nước đã được tuyên dương, trao Cúp vàng bảo vệ môi trường và Bằng khen, vì có những đóng góp, sáng kiến xuất sắc trong việc bảo vệ môi trường.

Theo Văn hóa