Công tác xã hội cần chuyên nghiệp mới hiệu quả

(CTG) Nghề công tác xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động các đội công tác xã hội trên địa bàn TP.HCM là tọa đàm vừa được Thành Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ chức, cùng tìm lời giải cho nhiều vấn đề đặt ra.

công tác xã hội - Ảnh 1.
 

Làm công tác xã hội vốn là việc đã trở nên quen thuộc với không ít bạn trẻ trong cuộc sống hiện nay - Ảnh: Q.L.

Có thể nói các đội công tác xã hội tại TP.HCM đã làm được nhiều việc, hỗ trợ nhiều người yếu thế, xây dựng cộng đồng đoàn kết, cùng sẻ chia. 

Tuy nhiên thực tế khó phủ nhận rằng hoạt động của các đội gặp nhiều khó khăn, hạn chế nguồn lực, thiếu nhân sự có chuyên môn cũng như việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.

Nhân viên công tác xã hội: Cầu nối giữa người khó khăn với xã hội

Công tác xã hội là một nghề. Nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản và được cấp giấy chứng nhận hành nghề từ cơ quan có thẩm quyền. Những người làm công tác xã hội ở góc độ nào đó đang nhận vai trò "cầu nối" giữa người gặp khó khăn với các nguồn lực xã hội để phần nào giúp họ vượt qua nghịch cảnh, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Linh, bộ môn công tác xã hội Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay hoạt động công tác xã hội dựa trên ba phương pháp: công tác xã hội cá nhân, công tác xã hội nhóm và phát triển cộng đồng. 

Theo chị Phương Linh, điểm giống nhau giữa từ thiện, thiện nguyện và công tác xã hội chính là mong muốn giúp đỡ con người, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Từ thiện được thực hiện để cùng đóng góp cho xã hội, giúp đỡ mọi người bằng phương pháp cho - nhận. Tuy nhiên cũng có người làm từ thiện với động cơ như muốn xây dựng thương hiệu (với cá nhân) hoặc thực hiện trách nhiệm xã hội (với doanh nghiệp). Riêng công tác xã hội lại là trách nhiệm và động cơ nghề nghiệp hướng đến "phải giúp đỡ con người".

Cũng theo thạc sĩ Phương Linh, công tác xã hội hướng đến thúc đẩy, tăng cường năng lực để góp phần hình thành ý thức, nghị lực phấn đấu vươn lên của một nhóm người, cộng đồng và xã hội. 

"Khi liên quan đến tình huống khẩn cấp, cần huy động nguồn lực nhanh thì hoạt động từ thiện làm rất tốt. Nhưng để phát triển bền vững và đi chặng đường dài, công tác xã hội sẽ cần đảm nhiệm vai trò này", chị Phương Linh chia sẻ.

Cần liên kết để cùng mạnh hơn

Anh Nguyễn Hoàng Nhật Hòa, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ kỹ năng và công tác xã hội Mầm Xanh (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM), cho rằng nhất thiết phải luôn khảo sát, đánh giá đối tượng, mục đích trước nếu muốn hoạt động công tác xã hội đó thành công. Khảo sát để biết họ thật sự đang cần giúp đỡ gì, mong muốn gì. 

Qua đó đánh giá mức độ khó khăn, nhận diện vấn đề cần giải quyết mới tìm ra phương thức, kế hoạch thực hiện hoạt động phù hợp.

"Đánh giá tổng quan hoạt động sẽ giúp nhận ra chúng ta cần gì, đang có gì, còn thiếu gì. Từ đó lên phương án hỗ trợ, cách tiếp cận nhà tài trợ và cần kêu gọi sự chung tay ra sao", anh Hòa nói.

Bạn Ngọc Thảo, đội trưởng đội công tác xã hội Trường ĐH Tôn Đức Thắng, dẫn thực tế tại TP.HCM hiện có khá nhiều đội công tác xã hội đang hoạt động song dường như không mấy gắn kết. Thảo nói dù cùng chung mục đích, phương thức nhưng phần lớn lại thường chọn hoạt động đơn lẻ theo cách riêng mỗi đội.

Đồng tình, anh Võ Quốc Bình (Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM) nói cũng đau đáu với thực tế này. Trong khi nếu kết nối tốt các đội lại cùng nhau, chắc chắn các chương trình công tác xã hội sẽ đạt quy mô hơn, ý nghĩa hơn và độ lan tỏa cũng rộng hơn. 

Anh Bình nêu thực tế Đội Công tác xã hội thanh niên TP.HCM (thuộc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM) từng làm công việc kết nối này song chưa như kỳ vọng.

"Tôi cho rằng khi các đội cùng nghĩ về mục tiêu chung, việc kết nối mới thành công. Đôi khi các đội nghĩ rằng tự mình làm được rồi, không cần ai hỗ trợ. Nhưng nếu thử nghĩ xem các đội khác vì lý do nào đó hay nguồn lực hạn chế chưa thể tự làm vậy sao chúng ta không cùng tiếp sức, làm chung. Nếu làm được vậy, tôi tin hoạt động công tác xã hội trên bình diện chung của TP sẽ càng mạnh hơn", anh Bình bày tỏ.

Theo TT