Đặc sản quê hương 'bay' trên nền tảng số

(CTG) Nhiều đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang đã tiên phong trong việc đưa “đặc sản” quê hương vươn xa trên nền tảng số, chung tay lo đầu ra sản phẩm cho người dân.

Gian hàng “số”

Câu chuyện về việc quảng bá và bán hàng tấn đặc sản của người dân tộc Cao Lan ở xã vùng xa của Phó Bí thư chi đoàn Hoàng Xuân Mau (SN 1994) khiến chúng tôi tò mò. Sáng mùa thu mát dịu, Hoàng Xuân Mau tất bật với việc tự làm các clip về các món ăn của người Cao Lan để giới thiệu trên các ứng dụng mạng xã hội. Chàng trai người Cao Lan này chia sẻ về hành trình khởi nghiệp và quảng bá đặc sản quê hương trên nền tảng số. Anh sinh ra ở bản Nghè, xã Xuân Lương (huyện Yên Thế, Bắc Giang), nơi đây đa phần là người dân tộc Cao Lan sinh sống. Quê anh thuộc diện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Giang. Ngày trước, nhà nghèo, học hết THPT, anh ra Hà Nội làm cho các quán ăn, nhà hàng. Sau đó, anh đi nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Sapa làm việc trong lĩnh vực khách sạn. “Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, tôi nhận thấy quê hương mình có một số đặc sản về ẩm thực và địa điểm có thể phát triển du lịch như đồi chè bản Ven, cây lim nghìn năm tuổi nên tôi quay về quê để lập nghiệp”, anh Mau kể.

Đặc sản quê hương 'bay' trên nền tảng số ảnh 1

Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang và các TikToker nổi tiếng livestream quảng bá và bán vải thiều Bắc Giang Ảnh: Nguyễn Thắng

Về quê, anh Mau bàn với gia đình làm điểm du lịch sinh thái ngay trên mảnh đất nhà mình. Anh cải tạo khu đất vườn rộng của gia đình thành địa điểm nghỉ ngơi phục vụ các đoàn khách du lịch. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện ý tưởng, anh gặp khó khăn bởi vốn đầu tư lớn. Thời điểm này, anh cũng tham gia sinh hoạt tổ chức Đoàn tại địa phương, rồi được bầu làm Phó Bí thư chi đoàn bản Nghè. Anh tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số do Tỉnh Đoàn Bắc Giang tổ chức. Tại các lớp này, anh giao lưu cùng với các chuyên gia, những người sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Đặc biệt, chương trình “Bắc Giang đa sắc” do Trung ương Đoàn phối hợp Tỉnh Đoàn Bắc Giang tổ chức đã mời các TikToker nổi tiếng về tỉnh Bắc Giang truyền đạt kinh nghiệm và trực tiếp huấn luyện các đoàn viên, thanh niên trong tỉnh trong việc quảng bá sản phẩm quê hương trên các nền tảng số đã mang lại “luồng gió mới” trong tư tưởng của anh. Anh Mau quyết định thay đổi.

Đặc sản quê hương 'bay' trên nền tảng số ảnh 2

Nguyễn Thị Nhung livestream giới thiệu về đặc sản Bắc Giang đến nhiều người

Đặc sản quê hương 'bay' trên nền tảng số ảnh 3

Anh bắt tay vào việc quảng bá và bán các sản phẩm quê hương, những đặc sản của người Cao Lan trên nền tảng số. Anh lập “gian hàng số” trên các mạng xã hội như TikTok, Zalo, Facebook. Các gian hàng số này giúp anh tiết kiệm được chi phí, vốn đầu tư ít và có thể tiếp cận được với nhiều người. Quá trình tiếp xúc với các chuyên gia trong các lớp tập huấn về chuyển đổi số của Tỉnh Đoàn Bắc Giang mang lại cho anh những kiến thức và kinh nghiệm quý báu để anh quảng bá sản phẩm quê hương theo hướng chuyên nghiệp. Các clip giới thiệu về đặc sản của người Cao Lan như các món ăn (thịt sấy, lạp sườn, muối cưa chắp) được anh xây dựng bài bản, có câu chuyện để truyền tải đến người xem trên nền tảng số.

Anh Mau nhẩm tính, mỗi ngày, anh đăng 1 – 2 clip giới thiệu sản phẩm quê hương, các danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Giang lên gian hàng số của mình thu hút hàng nghìn người theo dõi trên TikTok và Facebook. Nhờ gian hàng số trên mạng xã hội, anh có thể bán được 1 tấn sản phẩm/tháng, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Năm 2022, anh Hoàng Xuân Mau thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Cao Lan, quy tụ nhiều bạn trẻ người dân tộc Cao Lan để quảng bá những sản phẩm của quê hương.

Tiên phong trong chuyển đổi số

Nguyễn Thị Nhung (28 tuổi, ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang) cũng là một bạn trẻ đã thành công trong việc quảng bá những “đặc sản” của quê hương đến nhiều người trong và ngoài nước trên nền tảng số. Cô gái trẻ này là một TikToker có tiếng ở tỉnh Bắc Giang. Nhung kể, Nhung từng học Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, ra trường làm kinh doanh thời trang. Năm 2019, dịch COVID - 19 bùng phát, Nhung về quê làm ăn và sinh sống.

Về nhà, Nhung rất ấn tượng với những đặc sản ở nhiều vùng quê của tỉnh Bắc Giang như mỳ Chũ (huyện Lục Ngạn), chè lam. Vốn có khả năng kinh doanh, Nhung quyết định tìm cách quảng bá những sản phẩm của quê hương đến với nhiều người theo hướng đi mới là livestream trên nền tảng số. Khoảng 1 năm trước, Nhung bắt đầu bén duyên với TikTok để giới thiệu đến nhiều người về những món ăn ngon, nông sản của Bắc Giang. “Em làm các clip giới thiệu về đặc sản Bắc Giang với những thước phim kể câu chuyện về tuổi thơ của em gắn liền với những món ăn ngon của quê hương như kẹo lạc, chè lam để gây được cảm xúc với người xem trên nền tảng số”, Nhung cho hay.

Nhung chia sẻ, hiện kênh của Nhung trên TikTok giới thiệu về đặc sản và nông sản của Bắc Giang có khoảng 480 nghìn người theo dõi. Mỗi buổi livestream của Nhung quảng bá sản phẩm quê hương có khoảng 500 người xem trực tiếp. Qua kênh của mình, Nhung không chỉ quảng bá mà còn giúp người dân trong tỉnh Bắc Giang tiêu thụ sản phẩm. Mỗi khi livestream trên mạng xã hội, nhận được phản hồi từ người xem rằng “chè lam Bắc Giang ngon lắm “ hoặc “mỳ Chũ ngon và dai lắm” khiến Nhung rất vui và tự hào.

“Những lớp tập huấn của Tỉnh Đoàn Bắc Giang về chuyển đổi số như một đòn bẩy giúp tôi trong việc quảng bá sản phẩm quê hương, phát triển kinh tế cho bản thân và bà con dân tộc”.

Anh Hoàng Xuân Mau

Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang cho biết “UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt đề án và bố trí kinh phí để Tỉnh Đoàn Bắc Giang thực hiện vai trò tiên phong của tuổi trẻ về chuyển đổi số, trong đó có việc quảng bá sản phẩm, hình ảnh và con người Bắc Giang đến với nhiều người.

Anh Hoàng cho hay, trong năm qua, đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang tham gia tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn trên 600 hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “shopee.vn”, “lazada.vn”, “sendo” để giới thiệu và bán các sản phẩm, nông sản tỉnh Bắc Giang. Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã phối hợp đối tác xây dựng cẩm nang du lịch số tỉnh Bắc Giang (tại địa chỉ http://dulichso.bacgiang.gov.vn), ứng dụng công nghệ số hóa các địa điểm du lịch có đông du khách tham quan; duy trì, phát triển chương trình truyền thông “Sắc màu Bắc Giang” nhằm quảng bá vẻ đẹp tự nhiên, ẩm thực, văn hóa và con người Bắc Giang.

Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang cho biết, Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã thành lập hơn 200 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và gần 2.130 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn để hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục hành chính và quảng bá sản phẩm quê hương.
 
Theo TPO