Đại hội tài năng trẻ lần thứ III: Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài từ cơ sở

(CTG) Trong khuôn khổ Đại hội tài năng trẻ lần thứ III, năm 2020, sáng nay 12/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn với chủ đề “ Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam”, các đại biểu tham dự Đại hội đã có buổi thảo luận và thẳng thắn đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong việc bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ.

 

Các đại biểu tham dự đại hội đã có buổi thảo luận và thẳng thắn đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong việc bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ.

Thông qua diễn đàn, các đại biểu tài năng trẻ cho rằng: thời gian qua, bên cạnh những thành tích đạt được trong công tác tập hợp, bồi dưỡng tài năng trẻ, vẫn còn những tài năng trẻ chưa được phát hiện, phát huy kịp thời; nhiều tài năng trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi còn thiếu điều kiện, cơ hội để học tập, rèn luyện, phát triển. Bên cạnh đó, công tác quản lý, theo dõi, hỗ trợ sự phát triển các tài năng trẻ sau khi được tôn vinh vẫn còn hạn chế.

Công tác tập hợp tài năng trẻ chưa được triển khai có hệ thống và thiếu tính đồng bộ. Vì vậy, để phát huy tài năng trẻ Việt Nam trong thời gian tới, cần Ðảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tài năng trẻ được bồi dưỡng tri thức, kỹ năng và lòng yêu nước, được phát triển và phát huy các phẩm chất, năng lực cống hiến cho Tổ quốc, tạo nguồn hình thành đội ngũ nhân tài quốc gia.

Quang cảnh diễn đàn số 1.

Ths. Phan Duy Anh (Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, muốn phát hiện ra nhân tài thì phải trân trọng nhân tài và cần nhìn con người trong một quá trình, vì mọi việc đều có sự chuyển biến, con người thay đổi nếu môi trường thay đổi. Muốn đánh giá nhân tài chính xác phải kiên nhẫn tìm hiểu theo dõi trong một thời gian dài. “Đặc biệt, tài năng không tự nhiên mà có, phải qua quá trình đào tạo và gắn với rèn luyện trong thực tiễn. Bên cạnh đó, con người muốn trở thành nhân tài phải qua quá trình học tập rèn luyện suốt đời. Để đào tạo nhân tài cần xác định mục tiêu đào tạo ra làm gì, đào tạo như thế nào. Vai trò của người thầy rất quan trọng. Người thầy vĩ đại là người thầy để học trò đứng trên đôi vai của mình. Học trò vượt được thầy là điều vĩ đại của đất nước”, anh Duy Anh nói.

Đưa ra giải pháp sử dụng, thu hút, tập hợp, kết nối, phát huy tài năng, anh Duy Anh cho rằng, muốn dùng nhân tài đúng, trước hết phải phụ thuộc vào người cán bộ lãnh đạo quản lý. Lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hoá thành tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá thành tài nhỏ.

Muốn dùng nhân tài đúng thì người quản lý phải cần có “bốn phải” đó là: 1) mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với nhân tài một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho người tài không rời bỏ; 2) phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi với những người mình không ưa; 3) phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà xa cách nhân tài; 4) phải có thái độ vui vẻ thân mật thì nhân tài mới vui lòng gần gũi mình.

Còn với Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang, cán bộ tại Bộ Nội vụ cho rằng, cần đảm bảo cơ chế với tài năng có thời điểm vàng. Ví dụ như những vận động viên, diễn viên múa….sau khi hết thời điểm vàng nhà nước cần phả có chính sách gì hỗ trợ như thế nào để chúng ta không có những câu chuyện đáng buồn là hôm nay báo viết có những vận động viên này dành giải này giải kia nhưng hôm nay phải đi bán báo, chúng ta đều có thể cảm nhận được. Đó là một sự nhói lòng của bản thân tôi. Tôi cảm thấy nhà nước cần quan tâm hơn nữa và cần phải có chính sách hỗ trợ những tài năng đã cống hiến nhiều nước nhà khi trở về với cuộc sống bình thường họ sẽ có cuộc sống tốt hơn.

“Chúng ta cần tạo môi trường học tập, nghiên cứu phù hợp, điều kiện học tập nghiên cứu tốt sẽ giúp định hướng, phát triển tư duy sáng tạo cho tài năng trẻ. Đồng thời, mọt môi trường làm việc tốt, khuyến khích tốt, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến đó là yếu tố giữu chân tài năng”, TS Trang chia sẻ.

Tiến sỹ, bác sĩ Phạm Lê Duy, Bệnh Viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần phát huy vai trò của cơ sở Đoàn trong phát hiện nhân tài.

Phát huy vai trò của Đoàn

Bên cạnh đó, cần phát huy hệ thống tổ chức của Ðoàn, Hội, Ðội và phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan, tổ chức để triển khai đồng bộ các hoạt động phát hiện những thanh, thiếu niên có năng khiếu, có tài năng; kịp thời động viên và tuyên dương những tài năng tiêu biểu có thành tích tốt để giới thiệu và thu hút sự quan tâm của xã hội và gia đình. Thu hút tài năng trẻ tham gia vào các hoạt động Ðoàn, phong trào thanh niên, qua các hoạt động thực tiễn để được rèn luyện tài năng, nhân cách, nâng cao lòng yêu nước, nhận thức chính trị tư tưởng.

Tiến sỹ, bác sĩ Phạm Lê Duy, Bệnh Viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ Đoàn phải phát huy nhiều hơn nữa, làm sao có được những lớp tập huấn không chỉ là kỹ năng. Hiện các cán bộ đoàn hiện giờ ở những nơi tôi đã từng trải qua đang tập trung vào kỹ năng nhiều hơn về tâm lý và giao tiếp. Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí nhưng hoạt động về học thuật thì chưa có chiều sâu và chưa thực sự đầy đủ để các đoàn viên thanh niên tham gia.

Đại biểu tài năng trẻ nêu ý kiến tại Diễn đàn Bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ.

TS Nguyễn Thị Trang (Học viện Hành chính quốc gia), cho rằng cần phát hiện đào tạo tài năng từ nhỏ và cả trong quá trình tuyển dụng. “Nếu các em nhỏ được phát hiện tài năng và có chương trình giáo dục hợp lý sẽ kích thích sự sáng tạo tư duy, tạo tiền đề cho các em phát huy tài năng. Khi bước vào tuổi trưởng thành cần được các nhà quản lý phát hiện, coi trọng và bồi dưỡng”, chị Trang đề xuất.

Tại điễn đàn Các đại biểu cho rằng cần phát triển đa dạng hóa các hình thức kết nối, tập hợp tài năng trẻ, kết hợp các hình thức kết nối, tập hợp theo các lĩnh vực hoạt động chuyên môn theo địa bàn, khu vực. Đặc biệt là qua các diễn đàn trực tuyến kết nối, tập hợp các tài năng trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài.

Minh Kiệt