Đại tướng Lê Đức Anh: Độc lập và lợi ích dân tộc là tối thượng

(CTG) Ngày 1/12/2010, Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh 90 tuổi. Đánh giá về ông, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng ông là một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thì nhận định “Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

Qua hồi ức của những nhà lãnh đạo cùng thời, hay những người có dịp gần gũi lâu năm với vị Đại tướng này, chân dung một nhân vật lịch sử vốn được bao phủ bởi nhiều chiều thông tin hiện lên rõ nét: một nhà lãnh đạo luôn được đặt vào những thời điểm khó khăn, buộc phải ra quyết định trong những hoàn cảnh gian khổ song đã thể hiện đầy đủ "tầm nhìn sâu và rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm", khi đã tin là đúng thì quyết làm đến cùng cũng như luôn bình thản trước mọi khó khăn, thách thức - như cảm nhận của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đồng chí song hành cùng ông suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước và sau này trên những cương vị chèo lái đất nước.

"Lợi ích dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước là tối thượng" - không phải chỉ là những lời nói, mà là nguyên tắc sống bất di bất dịch mà vị tướng có tiếng là cứng rắn đến quyết liệt này dựa vào đó để ứng xử và ra quyết định trong mọi hoàn cảnh, khi là vị Tư lệnh quân khu 9 thời chống Mỹ, đại tướng cầm quân trên chiến trường Campuchia cho đến khi nắm giữ trọng trách nguyên thủ quốc gia, chịu trách nhiệm mở đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc - những cựu thù mà Việt nam vừa trải qua chiến trận khốc liệt nhất.

Vị tư lệnh cương nghị và quyết đoán

Trong bài viết Một vài kỷ niệm nhỏ về đồng chí Lê Đức Anh, ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) nhớ lại ấn tượng đầu về ông Sáu Nam (Lê Đức Anh):

"Lần đầu tiên khi chúng tôi gặp nhau là sau khi anh Sáu ở miền Bắc vô Bộ chỉ huy Miền. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong các cuộc họp (thường là họp TW Cục mở rộng) có những đồng chí của Bộ chỉ huy Miền. Qua đánh giá và bàn chủ trương, có dịp trao đổi ý kiến về các vấn đề có liên quan tới Quân khu Sài Gòn - Gia Định (T4), tôi thấy anh Anh là người chịu lắng nghe và có ý kiến cân nhắc, cẩn trọng (đúng là một cán bộ tham mưu có tầm).



 Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: SGGP. 

Đầu năm 1973, một bộ phận cơ quan chỉ đạo của Thường vụ Khu uỷ và Bộ chỉ huy Quân khu chuyển hẳn lên giữa các huyện tiếp giáp Long Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu ngoan cố không thi hành Hiệp định Paris, lệnh cho Quân đoàn 4 nguỵ tiếp tục bình định lấn chiếm (không ngoài dự kiến của Bộ chỉ huy Quân khu), Tư lệnh Sáu Nam kiên quyết chỉ huy các đơn vị đánh trả, giữ thế trận có lợi hơn cho chiến trường... Quân đoàn 4 của địch lợi dụng bối cảnh các khu khác không "chia lửa" cùng quân khu 9, địch tập trung nhiều tiểu đoàn quyết giữ Chương Thiện, làm bàn đạp để mở rộng, tái bình định các vùng đã mất. Về phía ta, anh Sáu Nam - Tư lệnh Quân khu quyết ghìm địch và tiêu diệt chúng ở Chương Thiện, tạo điều kiện để các tỉnh mở rộng vùng, đó là bản lĩnh của người chỉ huy nắm chắc tình hình và quyết thắng địch.
Lúc này, Quân khu 9 đứng trước hai khó khăn lớn phải cân nhắc, xử lý và chịu trách nhiệm với cấp trên và trách nhiệm trước quân dân Tây Nam Bộ, đó là:

Ghìm địch lại trong khu vực (Chương Thiện), hay thả lỏng ra để chúng mở rộng địa bàn bình định?

Chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền - Lệnh cho Quân khu giảm bớt căng thẳng với địch, rút một trung đoàn ngăn chặn tuyến trước về phía sau, và các lệnh (từ điện 03, 04, 07) không chỉ cho Quân khu mà trực tiếp xuống các Tỉnh đội và Tỉnh uỷ.

Trước tình hình khó khăn nổi cộm phải xử lý, với tất cả trách nhiệm, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh, một mặt quyết đánh ghìm giữ địch ở Chương Thiện, không rút trung đoàn ở tuyến trước về. Đồng thời, chúng tôi cho triệu tập ngay cán bộ lãnh đạo và chỉ huy các tỉnh đội từ phía nam sông Hậu, thông báo và lệnh cho các tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương của Khu uỷ và Quân khu, chờ lệnh mới. Tôi cùng anh Sáu Nam chủ trì phiên họp hoả tốc với các tỉnh (họp tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ) báo qua tình hình, nêu rõ chủ trương của Thường vụ Khu uỷ và Quân khu. Kết quả là, tất cả đều nhất trí cao như chỉ đạo, quyết giữ đất, giữ dân... Không đầy một buổi làm việc, Hội nghị đã kết thúc với hai yêu cầu về trách nhiệm:

Một là, mệnh lệnh trên hết lúc này trong toàn Quân khu là kiên quyết phá bằng được âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ - Thiệu, không được để mất đất, mất dân, không có bất cứ mệnh lệnh nào cao hơn.

Hai là, Khu uỷ và Quân khu chịu trách nhiệm trước cấp trên, các tỉnh phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Quân khu, của Tư lệnh chiến trường.

Tôi rất xúc động, chưa thấy một hội nghị nào trong tình thế nước sôi lửa bỏng mà ý kiến trên dưới lại thống nhất cao và nhanh như vậy. Điều đó chứng tỏ là những cán bộ phụ trách của các địa phương sâu sát với hơi thở cuộc sống của quân và dân ở chiến trường, đặc biệt là ý chí và lòng tin của họ đối với Quân khu và người Tư lệnh cương nghị của mình.

Nhờ vậy, Quân khu 9 đã vượt qua thử thách lớn và được đánh giá công bằng từ Trung ương Cục, Quân uỷ Miền và Trung ương Đảng: Khu uỷ, vai trò anh Sáu Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã góp phần xứng đáng, kể từ sau Hiệp định Paris.

Cuối 1973, tôi được rút về Trung ương Cục và sau đó, anh Sáu Nam cũng được rút về Bộ chỉ huy Miền, chúng tôi cùng tham gia chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam.

Kết thúc giai đoạn Quân quản, tôi được phân công làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, anh Sáu Nam phụ trách Tư lệnh Quân khu 7. Giai đoạn này, chúng tôi cùng hợp tác với nhau rất tốt. Bộ tư lệnh Quân khu 7 đóng tại Sài Gòn và Sài Gòn thuộc địa bàn Quân khu 7. Trong giải quyết các vấn đề về an ninh và bảo vệ Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và chiến tranh biên giới Tây Nam, có sự hợp tác chắt chẽ giữa Thành uỷ, Thành đội với Quân khu 7.

Nhà lãnh đạo tầm cỡ thời kì Đổi Mới

Trong suốt hai nhiệm kỳ anh Sáu Nam và tôi (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cùng trong Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và một nhiệm kỳ (khoá 8) làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương, chúng tôi cùng tham gia và chứng kiến sự lãnh đạo của Đảng đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện về nhiều mặt, quan hệ quốc tế được không ngừng mở rộng, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao, an ninh quốc gia về chính trị và quốc phòng được giữ vững và củng cố. Với vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cùng với tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng. Anh là người có tầm nhìn sâu và rộng trong các vấn đề chiến lược của đất nước. Tham gia giải quyết các vấn đề lớn thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương: nghiêng về phía "chắc", "cứng" trong chủ trương và giải pháp. *

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cho biết: "Giai đoạn tôi làm Tổng Bí thư, anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, anh Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, anh Đoàn Khuê làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây là thời kỳ ta triển khai công tác đổi mới rất mạnh, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế...Khi anh Lê Đức Anh làm Chủ Tịch nước thì ta thật sự mở rộng quan hệ với nước ngoài". **

Mở đột phá khẩu bình thường hóa quan hệ với Mỹ

Đại tướng Lê Đức Anh kể: Thực hiện đường lối Đổi mới được đưa ra tại Đại hội VI, năm 1986, của Đảng, chúng ta tiến hành bình thường hoá quan hệ với một số nước, trong đó có hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Lúc đó tôi đang làm Bộ trưởng Quốc phòng và được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách nào đó để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Tôi nói việc này của Bộ Ngoại giao chứ đâu phải của Quốc phòng, nhưng anh Tô và cả anh Thạch (tức nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - ST) và các anh khác đều nhất trí cử tôi nghiên cứu cách làm việc này.

Lúc đó giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại, chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật vậy.

Cuối cùng ta đã chọn được một người làm khoa học kỹ thuật là bác sỹ Nguyễn Huy Phan ở Quân y viện 108. Anh Phan là phẫu thuật viên chỉnh hình rất giỏi, khi đi dự Hội nghị Y học ở Paris, anh có thuyết trình về phẫu thuật bộ phận sinh sản thì các đồng nghiệp Mỹ rất thích.

Họ mời anh Phan đi thăm Mỹ để thuyết trình rõ hơn vấn đề khoa học này. Sau đó, anh Phan có mời một số bác sỹ Mỹ sang thăm Việt Nam và rồi các bác sỹ của hai bên lập ra Nhóm bác sỹ hỗn hợp về "phẫu thuật nụ cười" cho trẻ em Việt Nam bị hở "hàm ếch".

Trong quá trình làm việc, anh Phan có nêu với các đồng nghiệp Mỹ về các quân nhân Mỹ bị mất tích trong khi tham chiến tại Việt Nam và phía Việt Nam có thể giúp tìm kiếm. Câu chuyện này được báo cáo về Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều rất phấn khởi. Phía Hoa Kỳ cử hai Thượng nghị sỹ là John MacCain và John Kerry sang Việt Nam tìm hiểu.

...Bàn về "người Mỹ mất tích" trong chiến tranh là chủ đề rất nhạy cảm lúc bấy giờ. Người Mỹ vậy, còn người Việt Nam mất tích thì sao? Phía Mỹ lại còn nói Việt Nam vẫn giấu tù binh Mỹ còn sống. Khi thượng nghị sỹ J. Kerry sang, tôi đã đích thân dẫn ông ta đi thăm những nơi mà phía Mỹ nghi là Việt Nam còn giấu tù binh là quân nhân của họ. Những nơi đó rất nhạy cảm. Ông Kerry được chứng kiến tận nơi các địa điểm đó và xác nhận không hề có chuyện giấu tù binh"

Ông Thomas Vallely, nguyên hạ nghị sĩ bang Massachusett, người bạn thân luôn sát cánh cùng ông John Kerry trong suốt tiến trình vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ xác nhận câu chuyện này. Ông nói rằng, quyết định của phía Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cho phép phía Mỹ được đi bất cứ đâu, thậm chí đến những nơi "cực kì nhạy cảm", vào bất cứ thời điểm nào khi có thông tin dù bịa đặt về việc Việt Nam còn giam giữ tù nhân là cực kỳ "dũng cảm về mặt chính trị". Nhờ đó, nhóm nghị sĩ Mỹ đã có được bằng chứng xoá bỏ hoàn toàn huyền thoại về POW/MIA, thoát khỏi bóng ma quá khứ về tù nhân chiến tranh.

"Quyết tâm của phía Việt Nam giúp mang hài cốt các quân nhân Mỹ tử trận về cho thân nhân của họ chính là sức bật lớn nhất để cải tiến những quan hệ". cựu Tổng thống Bill Clinton ghi nhận.

Ông Thomas Vallely đã nói không sai. Bởi những người tiên phong trong tiến trình hòa giải với cựu thù ấy, về sau, dù ít hay nhiều, đã phải trả giá.

"Bình thường hoá quan hệ với Mỹ là chuyện khó ngay từ trong nội bộ ta lúc bấy giờ. Cán bộ và nhân dân ta chưa đồng tình. 20 năm chiến tranh tàn khốc còn để lại bao vết thương trên cơ thể đất nước và trong tâm lý mọi người. Lúc đó mà nói đến chuyện lập quan hệ ngoại giao với Mỹ là bị quy kết liền", Đại tướng Lê Đức Anh lý giải.

"Anh Phan không tránh khỏi và anh Thạch cũng bị một chút. Anh Phan bị đơn vị cho nghỉ việc và tước bỏ các quyền lợi, các danh hiệu. Đặc biệt là thời kỳ tôi bị xuất huyết não phải nằm viện giữa nhiệm kỳ Chủ tịch nước, anh Phan chỉ còn biết khóc bởi bất lực. Ra viện, trở lại Phủ Chủ tịch, tôi đã khôi phục lại danh dự cho anh Phan, tặng Huân chương cho anh, nhưng lúc đó anh đã suy sụp, đổ bệnh và qua đời", giọng ông chùng xuống ngậm ngùi.

Ít người biết, thời điểm giữa thập kỉ 90, khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ dù đã bình thường hóa nhưng còn tồn tại nhiều nghi kị, con trai Đại tướng Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà đang công tác ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư thi đỗ Đại học Harvard ở Mỹ. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư hỏi Đại tướng Lê Đức Anh: 'Có cho cháu Hà đi không?" Đại tướng Lê Đức Anh nói: 'Cứ cho cháu đi để bớt dị ứng với Mỹ, vì dư luận thấy con Chủ tịch nước còn đi Mỹ học có làm sao đâu, huống hồ là mình'.

Lợi ích dân tộc là tối thượng

Không chỉ được giao phó trọng trách bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, trước đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng là nhận trọng trách mở đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Tháng 8/1991, Đại tướng Lê Đức Anh với tư cách là "đặc phái viên của Bộ Chính trị" sang thăm nội bộ Trung Quốc để bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước.

Trước khi Hội đàm, Tổng bí thư Giang Trạch Dân gặp riêng Đại tướng Lê Đức Anh nêu một vài vấn đề "khá hóc búa": "Tới đây lãnh đạo hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung- Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải họp riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết nhưng sau này nghiên cứu lịch sử mới biết Trường Sa là của Trung Quốc", ông Lê Đức Anh đáp: "Tôi cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về. Khi về Trung ương có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lí và pháp lí thì thấy rõ Hoàng sa và Trường sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam". Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể. Nghe vậy, ông Giang không nói gì nữa, chỉ cười thôi".***

Sau khi ông Lê Đức Anh đi "tiền trạm" về, từ ngày 3 đến ngày 10/11/1991, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên Hội đàm, ra thông cáo chung và kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữ hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc hòa bình, đồng thời kí cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Nhớ lại những thời điểm quyết định đầy cam go và đối mặt với không ít những quan điểm trái chiều, vị đại tướng cười bảo: Nhiều người cho tôi là "thân Trung Quốc", rồi sau khi xảy ra chuyện ta khai thông quan hệ với Mỹ như thế thì lại cho tôi là "thân Mỹ". Tôi chỉ cười. Nhưng từ đây tôi mới rút ra một điều rằng, quan hệ của ta với Trung Quốc và với Mỹ là hai mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất của nước Việt Nam. Các nước lớn thì thường vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau. Còn ta là nước nghèo và so với họ thì là nước nhỏ, nên trong quan hệ với mỗi nước đó ta cần suy nghĩ rất kỹ, và dĩ nhiên phải đứng trên lập trường độc lập và lợi ích dân tộc của ta.

"Lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải là tối thượng", với vị tướng già, đó đơn giản là một lẽ sống, một điểm tựa để ông quyết định phải - trái, đúng - sai và khi đã tin, đã quyết là theo đuổi đến cùng.

Kết luận về ông, có lẽ không có gì ngắn gọn mà đầy đủ hơn lời của người đồng chí sát cánh cùng ông trong cả thời chiến lẫn thời bình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt "Với ngần ấy công sức, tâm lực, cống hiến cho Đất nước và Dân tộc, anh xứng đáng được trân trọng"

 

Theo Tuần Việt Nam