'Đạo đức số', 'lối sống số' trong cuộc cách mạng 4.0

(CTG) Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống ngày nay cần nhận diện và kiến tạo thêm các giá trị mới; không chỉ thích ứng, đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0 mà cần phải kiến tạo, vun đắp giá trị mới. Đạo đức số, đạo đức mạng xã hội, lối sống số… là những vấn đề ần nhận diện cho trúng và đúng.

Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 1501/QĐ-Ttg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020”.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN Bùi Quang Huy.

Bồi đắp tình yêu gia đình, đất nước

Quyết định số 1501 của Thủ tướng ban hành nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giúp thế hệ trẻ Việt Nam bồi đắp tình yêu gia đình, đất nước, kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ có ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động; trở thành những người công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, sau 5 năm triển khai, Đề án đã đạt nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội về công tác này; đồng thời cũng còn những hạn chế, tồn tại cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong giai đoạn tới.

'Đạo đức số', 'lối sống số' trong cuộc cách mạng 4.0 ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh

Bà Minh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng nhiều giải pháp, trong đó quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí để các địa phương triển khai tăng cường cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, nhi đồng trong trường học và tại nơi cư trú.

Theo bà Minh, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc Quyết định 2164/QĐ-TTg (ngày 11/11/2013) của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trước mắt tạm dừng việc sáp nhập các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi với các thiết chế văn hóa có chức năng không tương đồng theo, kết luận của Thủ tướng.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đồng thuận với báo cáo này và đưa ra nhiều giải pháp, mô hình hay để tăng cường công tác giáo dục cho thế hệ trẻ.

Phát biểu tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn bày tỏ thống nhất cao với giải pháp Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó cần tiếp tục ban hành đề án mới, có bổ sung các nội dung về nêu cao hoài bão, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

'Đạo đức số', 'lối sống số' trong cuộc cách mạng 4.0 ảnh 2

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN

Đặc biệt, anh Huy cũng cho rằng, giáo dục một con người phải bắt đầu từ nhỏ, nên thiết chế giáo dục rất quan trọng.

 
"Tôi thiết tha đề nghị các địa phương xem cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, là quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi. Quan điểm sáp nhập là phải tinh gọn hiệu quả, nhưng một số địa phương mới chỉ quan tâm đến tinh gọn mà không quan tâm đến hiệu quả của việc sáp nhập”, anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyến T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN.

“Trước đây chúng ta có cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, nhưng hiện nay nhiều nhà thiếu nhi được vào sát nhập vào các bộ phận khác như nhà văn hóa, cung thanh niên... Trong khi mỗi độ tuổi có tâm sinh lý khác nhau, phương pháp tiếp cận khác nhau, cần có thiết chế giáo dục khác nhau. Vì thế, tôi thiết tha đề nghị các địa phương xem cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, là quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi. Quan điểm sáp nhập là phải tinh gọn hiệu quả, nhưng một số địa phương mới chỉ quan tâm đến tinh gọn mà không quan tâm đến hiệu quả của việc sáp nhập”, anh Huy nói.

Nhận diện trúng đạo đức số, lối sống số

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi là một việc lớn, hệ trọng, lâu dài, cho hiện tại và tương lại. Việc này cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, là một phần của đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục và đào tạo.

“Đây là một công vệc phải được tiếp tuc đổi mới về nhận thức - hành động, phương pháp – nội dung, quy mô và chất lượng. Mong rằng các cơ quan, bộ, ban, ngành… quan tâm chia sẻ đưa nội dung này đưa vào chương trình hành động của mình với các góc độ khác nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

'Đạo đức số', 'lối sống số' trong cuộc cách mạng 4.0 ảnh 3

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Ông Sơn nhấn mạnh, cần tăng cường giáo dục ý thức pháp luật, coi việc giáo dục ý thức pháp luật là khâu mang tính nền tảng, trên cơ sở đó bồi đắp những giá trị khác.

Theo ông Sơn, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống là một quá trình liên tục từ bậc mầm non tới đại học, trưởng thành; tu dưỡng là một quá trình không có giới hạn.

“Trong thời đại mới chúng ta cần nhận diện và kiến tạo thêm các giá trị mới. Chúng ta không chỉ thích ứng, đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0 mà cần phải kiến tạo, vun đắp giá trị mới. Đạo đức số, đạo đức mạng xã hội, lối sống số,… là những vấn đề chúng ta cần nhận diện cho trúng và đúng”, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng nhấn mạnh, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống phải làm sao thầy thích dạy, trò thích học, trò mong muốn làm theo và mong muốn những giá trị đạo đức đó trở thành niềm tự hào của chính con người mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, phải lấy việc giáo dục đạo đức, nhân cách của từng cá nhân hướng tới giá trị tích cực để họ sống có ý chí, chí có khát vọng để làm căn cứ, tiền đề cho một thế hệ giàu khát vọng.

“Nếu mỗi cá nhân không có ý chí thì không thể đòi hỏi có khát vọng phát triển đất nước. Vì thế phương pháp giáo dục phải đi từ nhỏ đến lớn, đi từng con người cụ thể đến cộng đồng. Trong công tác giáo dục, chúng tôi đặc biệt quan tâm phát triển thế hệ trẻ sống có trách nhiệm, ý chí, khát vọng, hướng tới hiện thực hóa khát vọng hùng cường đất nước theo tinh thần ĐH XIII của Đảng”, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

Nguồn: TPO