Dấu ấn bộ trưởng: Tại sao không?

(CTG) Sự xuất hiện của một vị bộ trưởng quyết đoán, biết dấn thân, biết tạo dấu ấn cá nhân là vô cùng cần thiết để xóa tan sự chậm chạp, ì ạch hay ỉ lại... vốn là căn bệnh cố hữu của nhiều người trong những cơ quan Nhà nước hiện nay.


Bộ trưởng phải được toàn quyền?

Ngày 3.8 vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất. Trong số 22 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ của bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới này phần lớn là những người lần đầu tiên được bổ nhiệm.

Ngay sau khi nhậm chức, hầu hết các vị tân bộ trưởng đều đã "chào sân" bằng những phát biểu trước báo giới. Trong số này, dư luận đặc biệt ấn tượng với phát biểu thẳng thắn và xoáy sâu vào những vấn đề cụ thể của ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT.

Rất quyết đoán, Bộ trưởng bộ GTVT cho rằng "Bộ trưởng là tư lệnh trong một ngành thì phải được toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu hay không chiến đấu, tiến hay lùi thì mới làm được".

Khi được hỏi về những vấn đề cần giải quyết trước mắt, vị Bộ trưởng này đã chỉ ra ngay, đó là: Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Ngoài ra, ông còn khẳng định rằng trong thời điểm này, dự án đường sắt cao tốc tạm thời được gác sang một bên.

Mặc dù còn quá sớm để khẳng định điều gì nhưng với màn dạo đầu ấn tượng của vị Bộ trưởng Bộ GTVT, người dân có quyền hy vọng sẽ có những luồng gió mới, mang lại một diện mạo mới cho ngành GTVT nói riêng và chính sách cũng như hiệu quả điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới nói chung.

Đã từ lâu, người dân đã quá quen thuộc với những phát biểu chung chung lại không rõ ràng, cụ thể của nhiều vị bộ trưởng. Còn nhớ trước đây, dư luận đã thất vọng khi có một vị bộ trưởng nói với báo chí rằng ông không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân. Để rồi sau một thời gian nhậm chức, kết quả của ngành cũng gần như tương đồng với phát biểu của vị "tư lệnh" ngành.

Với bất kỳ một vị trí lãnh đạo nào chứ không riêng gì với một vị bộ trưởng đều cần có những mục tiêu cụ thể để thực hiện. Khi xác định được những mục tiêu cụ thể, rõ ràng thì cần có những chương trình hành động tương ứng để đạt được mục tiêu ấy.



Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng các Bộ trưởng, Trưởng ngành ra mắt Quốc hội. Ảnh: Dân trí


Tạo dấu ấn cá nhân- vô cùng cần thiết

Với những người lãnh đạo quyết đoán, biết tạo dấu ấn, cơ hội thành công sẽ rất cao. Do đó, sự xuất hiện của một vị bộ trưởng quyết đoán, biết dấn thân, biết tạo dấu ấn cá nhân là vô cùng cần thiết để xóa tan sự chậm chạp, ì ạch hay ỉ lại... vốn là căn bệnh cố hữu của nhiều người trong những cơ quan Nhà nước hiện nay.

Ngay trong ngày Quốc hội thông qua danh sách các thành viên Chính phủ, nhiều đại biểu đã bày tỏ mong muốn các thành viên Chính phủ cần trình bày chương trình hành động trước Quốc hội. Tiếc rằng, một vị lãnh đạo lại cho rằng chương trình hành động đều đã được các đại biểu này (vừa được bầu vào các chức danh bộ trưởng) trình bày trước đại hội Đảng nên không cần thiết.

Tuy nhiên, trên hết, là một bộ trưởng, người có tính quyết định cho sự phát triển hay thụt lùi của ngành mình đang quản lý, đang nắm giữ thì rất cần một người dám nói, dám làm. Nói cách khác, sự thành bại của ngành sẽ mang đậm dấu ấn của người lãnh đạo.


Tuy nhiên sẽ là rất thuyết phục nếu ngoài chương trình hành động về mặt Đảng, trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng thì các vị tân bộ trưởng trình bày thêm những chương trình hành động của riêng mình với cương vị mới là "tư lệnh" của một ngành cụ thể.

Một vị bộ trưởng có hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình hay không sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài những chương trình hành động, mục tiêu cụ thể, sự điều hành sáng suốt, nhận được đồng thuận cao từ người dân và những người giúp việc... thì cũng cần có yếu tố may mắn.

Tuy nhiên, trên hết, là một bộ trưởng, người có tính quyết định cho sự phát triển hay thụt lùi của ngành mình đang quản lý, đang nắm giữ thì rất cần một người dám nói, dám làm. Nói cách khác, sự thành bại của ngành sẽ mang đậm dấu ấn của người lãnh đạo.

Con thuyền giáo dục, GTVT hay một lĩnh vực nào khác của Việt Nam có vượt qua được những khó khăn, thách thức để về được bến bờ vinh quang hay không sẽ đều do vị thuyền trưởng con tàu ấy quyết định. Và người dân thì vẫn đang chờ đợi sự chuyển biến tích cực từ các vị tân bộ trưởng. Hy vọng các vị sẽ tạo nên sự khác biệt cần thiết trong nhiệm kỳ mới.


Theo Tuần Việt Nam