Đó là dự án giáo dục The Phiêu Linh Project do Trần Ngọc Phương Duyên (24 tuổi, sống tại Mỹ) và Nguyễn Hoàng Phương Anh (25 tuổi, sống tại TP.HCM) đồng sáng lập.
Năm 2018, Duyên tình cờ quen biết Phương Anh khi cả hai có dịp tham gia vào một dự án xã hội ở Indonesia. Nhận thấy tác động tích cực từ các hoạt động thiện nguyện, Duyên ngỏ ý với Phương Anh về việc tạo ra một dự án giáo dục giúp trẻ em dân tộc thiểu số có thể khai phóng năng lực cá nhân và trở thành người góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp.
Sau khi cùng bàn bạc, Duyên và Phương Anh đã cho ra đời The Phiêu Linh Project và chọn Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS San Sả Hồ (xã Hoàng Liên, H.Sa Pa, Lào Cai) làm nơi khởi nguồn dự án. Cũng vào thời gian đầu, cả hai phải liên tục làm việc với nhà trường, chính quyền địa phương qua số điện thoại, email để họ tin tưởng vào The Phiêu Linh Project.
Nói về đợt tuyển thành viên trước khi dự án bắt đầu, Phương Duyên cho biết: "Tuy chỉ mới thành lập nhưng The Phiêu Linh Project lúc đó đã nhận về rất nhiều đơn đăng ký từ các bạn trẻ ở mọi miền Tổ quốc. Giờ đây, tổ chức của chúng mình đã có đầy đủ các thành viên từ 63 tỉnh thành và có cả những du học sinh đến từ Anh, Singapore, Israel, Mỹ…".
Năm 2019, The Phiêu Linh Project khởi động dự án mùa đầu tiên với hơn 40 học sinh người Mông và cùng nhau thảo luận về những bài học xoay quanh du lịch bền vững. The Phiêu Linh Project cũng đã tài trợ thêm hệ thống bình nóng lạnh, vòi hoa sen và hơn 600 đầu sách cho thư viện trường.
Năm 2021 và 2022, địa điểm của dự án đã chuyển sang xã la Chim, Kon Tum. Theo đó, The Phiêu Linh Project đã cùng các em học sinh Trường THCS Phan Bội Châu tìm hiểu về biến đổi khí hậu trên toàn cầu nói chung và rừng trong văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Tây nguyên nói riêng. Dự án cũng đã trao tặng 3 suất học bổng với tổng trị giá 18 triệu đồng.
Tháng 7 vừa rồi, The Phiêu Linh Project đã tổ chức trại hè thực địa kéo dài 13 ngày tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Lao Chải (H.Sa Pa, Lào Cai).
Trại hè đã được tổ chức với các hoạt động tiêu biểu như: dạy kỹ năng sống, đưa các em đi tham quan doanh nghiệp xã hội, chia sẻ về kiến thức hướng nghiệp, tạo không gian để các em tự mình phác thảo mô hình kinh doanh từ nguồn lực sẵn có của địa phương cũng như nêu sáng kiến về cách phát triển du lịch cộng đồng; cho học sinh tự lên kế hoạch chương trình giao lưu văn nghệ và trò chơi dân gian.
Là một trong những thành viên của dự án, Nguyễn Thị Ngọc Mai (22 tuổi, sống tại Hà Nội) tiết lộ: "Mình đã tư vấn cho một em rất thích môn ngữ văn, nhưng luôn băn khoăn không biết có nên theo đuổi môn học này không. Mình đã nói với em rằng không có môn học nào dành cho riêng ai, chỉ cần bản thân yêu thích. Thật vui khi đến nay mình vẫn sát cánh cùng em trong quá trình chinh phục ước mơ thông qua việc chia sẻ về những dự định tương lai hay chỉ đơn giản là cách để học môn văn thú vị hơn".
The Phiêu Linh Project đã góp phần giúp các em vững tin vào giáo dục và có khát khao trở thành những công dân tử tế, mang tinh thần sống độc lập. Duyên cũng cho biết sắp tới dự án có thể kết nối với các chuyên gia để nhận được sự góp ý cho việc cải thiện nội dung chương trình.
Theo TN