ĐỀ CỬ GƯƠNG MẶT TRẺ VIỆT NAM TIÊU BIỂU 2021: 'Cô gái vàng' Olympic Hóa học quốc tế

(CTG) Đoạt Huy chương Vàng (HCV) Olympic Hóa học quốc tế 2021, nhưng trước đó, cựu nữ sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam Nguyễn Lê Thảo Anh từng là một người đam mê môn Toán. Điều thú vị, Thảo Anh từng trúng tuyển cùng lúc vào lớp chuyên Hóa, Toán và… Văn.

 

Vượt qua giới hạn bản thân

Lên cấp 3, Nguyễn Lê Thảo Anh được tuyển thẳng vào Trường Chuyên ĐH Sư phạm nhờ giải Nhất thành phố Hà Nội môn Hóa học. Nhưng Thảo Anh thử sức và thi đỗ vào chuyên Toán, Hóa và Văn của hai trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).

Chia sẻ về việc học chuyên các môn Tự nhiên nhưng lại đăng ký thi vào lớp chuyên Văn, Thảo Anh cho biết, viết văn là một niềm yêu thích rất riêng tư của bản thân. “Dù chưa từng học một tiết chuyên Văn nào nhưng tôi muốn thử sức xem khả năng của mình đến đâu. Chuyện đỗ vào chuyên Văn tạo nên niềm khích lệ rất lớn, giúp tôi tự tin vượt qua giới hạn bản thân”, Thảo Anh nói.

Cuối cùng Thảo Anh quyết định theo học lớp Hóa 1, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây được xem là lựa chọn mà Thảo Anh muốn thử thách và làm mới bản thân mình. Bởi, suốt những năm cấp 1 và đầu cấp 2, Thảo Anh được bố là tiến sĩ Toán - Tin truyền cho niềm đam mê học Toán và chinh phục được một số giải thưởng từ môn học này.

Từ lớp 8, Thảo Anh bắt đầu làm quen với Hóa học và dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi. “Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ, nhưng trong những môn học thử thách mình, Hóa là môn tôi thiếu tự tin nhất, vì đó là môn học hoàn toàn mới. Trước đó tôi chưa từng có ý định học theo chuyên Hóa”, Thảo Anh chia sẻ.

Chinh phục “vàng” Olympic

So với nhiều bạn trong khối chuyên Hóa, Thảo Anh bắt đầu theo học bộ môn này khá muộn, nên thời gian đầu gặp không ít khó khăn. “Khi tôi vào buổi học đầu tiên thì các bạn trong lớp đã ôn Hóa chuyên được 1, 2 tháng rồi. Tuy nhiên, vì muốn thử sức nên trước buổi học, tôi đã nhờ chị họ nói qua về những chương đầu tiên của môn Hóa để có thể bắt kịp tiến độ học của lớp”, Thảo Anh kể.

Trong vòng loại cấp trường, để tham gia kỳ thi Hóa học đầu tiên, Thảo Anh cũng chỉ suýt soát vượt qua, vì đề thi vượt khá xa kiến thức đã học.

Cựu nữ sinh trường Ams cho rằng, không có môn học dễ hay môn khó, điều quan trọng là mình đủ yêu thích và đam mê vượt qua hay không. Với suy nghĩ đó, cô nàng chinh phục bộ môn Hóa học, ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng.

'Cô gái vàng' Olympic Hóa học quốc tế ảnh 1

Nguyễn Lê Thảo Anh nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng ẢNH: NVCC

Kỳ thi Olympic quốc tế 2021 diễn ra giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thảo Anh và các thành viên đội tuyển ôn luyện tập trung từ đầu tháng 6/2021, ở tại ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội, kết hợp giữa cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hai tháng ôn luyện, Thảo Anh gặp khó khăn trong kỳ thi thử ở giai đoạn cuối.

“Dành nguyên một buổi tối trong phòng ký túc xá để suy nghĩ, tôi nhận ra rằng những lo lắng khi đứng trước một kỳ thi lớn đã khiến mình tạm quên mất niềm say mê tìm tòi, giải quyết vấn đề mà Hóa học đưa ra. Hiểu được điều này, tôi sớm trấn tĩnh lại, quay trở lại quỹ đạo để học và thi với tâm thế thoải mái nhất”, Thảo Anh kể.

Bước vào kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2021, Thảo Anh tự đặt ra kỷ luật cho mình trong suốt quá trình làm bài thi. “Đề thi chính thức gồm 9 bài, kéo dài trong 5 tiếng. Tôi chia đều mỗi bài 30 phút, kể cả khi chưa hoàn thành bài nhưng đã hết thời gian định sẵn, tôi đều chuyển sang bài tiếp theo và quay lại giải quyết sau”, cựu nữ sinh trường Ams kể.

 

Thảo Anh cho biết, do tập trung nhiều và làm liên tục trong thời gian dài nên không nhớ được mình đã làm những gì. Vì thế, khi thi xong, Thảo Anh gần như đã bỏ chuyện thành tích sang một bên và không kỳ vọng gì. Ngày Ban tổ chức thông báo kết quả qua livestream, Thảo Anh đã tắt điện thoại từ chiều, vì lo kết quả không như mong muốn.

“Khi thấy màn hình thông báo 3 học sinh Việt Nam giành HCV, trong đó có tên mình, tôi không dám tin. Đến khi nghe thấy tiếng vỗ tay và reo hò của mọi người, tôi được kéo trở lại thực tại và vỡ òa sung sướng”, Thảo Anh nhớ lại.

Điểm đến cuối cùng là Việt Nam

Chủ nhân HCV Hóa học quốc tế 2021 Nguyễn Lê Thảo Anh vừa đáp chuyến bay sang Úc, du học tại trường ĐH Melbourne. Chia sẻ niềm vui khi vừa làm xong thủ tục nhập học tại ngôi trường mơ ước bấy lâu, Thảo Anh cho biết, từ năm lớp 11 đã xác định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu một lĩnh vực trong STEM (các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), xây dựng trên nền tảng kiến ​​thức Hóa học của mình.

Tuy nhiên, có lúc Thảo Anh muốn từ bỏ đam mê của mình để theo học những ngành an toàn và phù hợp hơn, vì những khó khăn, trở ngại. Nhưng rồi vào một tối, tình cờ bắt gặp bài giảng của tiến sĩ Frances Arnold, Nobel Hóa học 2018, và cách bà nói về những nghiên cứu Hóa sinh của mình đầy thuyết phục, đã tiếp thêm cho Thảo Anh động lực rất lớn để kiên trì theo đuổi đam mê.

Thảo Anh bắt đầu tìm hiểu những cơ hội du học ngành khoa học Y sinh tại Úc. Bằng sự chăm chỉ, quyết tâm, một tháng trước kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, Thảo Anh nhận được học bổng 100% học phí để theo học bằng Cử nhân Khoa học chuyên ngành Dược lý học tại ĐH Melbourne (Úc).

Nói về ước mơ của mình, tân sinh viên ĐH Melbourne cho biết, điểm đến cuối cùng vẫn luôn là Việt Nam, vì đó là nơi niềm đam mê khoa học của cô được thắp lửa và nuôi dưỡng.

Thành tích ấn tượng của Nguyễn Lê Thảo Anh: HCV Olympic Hóa học quốc tế 2021; HCV cá nhân và đồng đội trong kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế lần thứ 15 (IJSO2018-Botswana); HCV cá nhân Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) lần thứ V do Moscow, Liên bang Nga tổ chức… Ngoài học tập, Thảo Anh tích cực tham gia hoạt động trường, lớp, xã hội, từng là MC, diễn giả, trưởng ban PR dự án khoa học P.R.I.S.M: The colors of Science 2020; tham gia thiết kế cuộc thi viết truyện mang yếu tố khoa học Le Spectre…

Theo TP