Trung tâm đổi mới sáng tạo
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá. Hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ chưa hoàn thiện; chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn yếu.
Nhiều cơ chế, đặc thù trong Luật Thủ đô 2024 sẽ thúc đẩy phát triển khoa học công ngệ và đổi mới sáng tạo |
Luật Thủ đô ra đời xác định cần phải phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo chuyển đối số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định, Luật cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố.
Quy định trên tác động sâu rộng đến sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên toàn thành phố, trong đó đặc biệt ảnh hưởng đến giáo dục, đào tạo nhất là các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Tháo gỡ rào cản hành chính hóa
Tại điểm b khoản 3 Điều 23 Luật Thủ đô 2024 quy định: “Tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Thành phố được áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.
Cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã được quy định tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, nhiều tiêu chí áp dụng rất khó đạt được để hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ hành chính phục vụ công tác thanh, quyết toán kinh phí như: xác định được rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm; dự toán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định hiện hành.
Luật Thủ đô 2024 đã có nhiều chính sách đặc thù tháo gỡ rào cản hành chính hóa |
Vì vậy, đa số các đề tài hiện nay đều áp dụng cơ chế khoán chi từng phần đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Một trong những khó khăn, vướng mắc hay gặp nhất là công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội) đánh giá, quy định mới trong Luật Thủ đô, tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố sẽ được trao quyền tự chủ, được tự quyết định nhiều hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ KH&CN. Qua đó sẽ tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, thanh quyết toán cho các nhà khoa học để tập trung thời gian, sức lực cho công tác nghiên cứu.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn luôn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá về hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, hiệu quả sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ, đặc biệt từ ngân sách nhà nước.
Điểm c khoản 3 Điều 23 trong Luật Thủ đô 2024 đã nêu rõ: “Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Thành phố khi đáp ứng đủ điều kiện về năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm để phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.
Cơ chế này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản là kết quả nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.
Chính những quy định, cơ chế mới này một lần nữa giúp cho các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn thành phố được gia tăng cơ hội hợp tác cùng doanh nghiệp để nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Từ đó, góp phần đẩy mạnh việc hình thành các spin-off từ trường đại học, viện nghiên cứu; góp phần tăng thu nhập, tạo động lực tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm mới.
Theo Tuoitre