Để nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phụ thuộc giới tính

(CTG) Sáng nay 17/9, tại Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (thành phố Hà Nội), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ giai đoạn 3 của chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn – Nói không với định kiến giới”.

 

Tham dự chương trình có anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; bà Phạm Thu Ba, Quản lý nhân sự và phát triển tổ chức Plan International Việt Nam; cùng đông đảo các em học sinh trương THPT Chu Văn An.

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, đây là chương trình nằm trong giai đoạn 3 của chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới”.

Theo anh Lâm, nghề nghiệp luôn được coi là yếu tố quan trọng để quyết định tương lai của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đối với các bạn học sinh làm sao để các bạn hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn trường, định hướng được việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai là một việc vô cùng quan trọng.
Nhận thức được điều này, thời gian vừa qua, công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm được Đoàn thanh niên các cấp triển khai hiệu quả với hình thức đa dạng.

Anh Lâm cho biết, với nhiều giải pháp được triển khai, trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn Đoàn đã tư vấn hướng nghiệp cho 12,8 triệu lượt thanh thiếu niên; giới thiệu việc làm cho hơn 3 triệu thanh niên.

Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả và nghệ sĩ tham gia chương trình.

Tuy nhiên, thực tế không phải học sinh, thanh niên nào cũng lựa chọn được đúng ngành nghề phù hợp với sở thích, đam mê, năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, có nhiều bạn vì những định kiến giới trong giáo dục, hướng nghiệp đã vô hình trung trở thành rào cản để các bạn tiếp cận cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

“Thay vì lựa chọn theo sở thích, đam mê và năng khiếu, không ít học sinh có phần e dè, lựa chọn những ngành nghề không đúng với đam mê của bản thân, chỉ để phù hợp với những định kiến đã "đóng khung" của xã hội rằng nghề này chỉ phù hợp với nữ giới, nghề kia chỉ phù hợp với nam giới”, anh Lâm nói.

Anh Lâm khuyến nghị, đối với mỗi học sinh, khi xác định lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai không phải đặt ra câu hỏi: Liệu nghề nghiệp mình lựa chọn có phù hợp với giới tính của mình hay không?

Mà các bạn cần đặt ra câu hỏi: Liệu rằng công việc đó có phù hợp với năng lực, đam mê của bản thân mình hay không? Liệu rằng ngành nghề mình lựa chọn có phù hợp với nhu cầu xã hội để bản thân các bạn có thể cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng hay không?

Theo anh Lâm, thông qua chương trình hôm nay, Ban Bí thư T.Ư Đoàn mong muốn mỗi bạn học sinh, thanh niên vừa được nâng cao về nhận thức vừa giao lưu, học hỏi, đặc biệt là thể hiện vai trò của người trẻ trong việc lên tiếng, hành động để phá vỡ các định kiến kìm hãm sự phát triển, để tự tin lựa chọn ngành nghề mà bản thân mình mong muốn.

Diễn giả trao đổi thông tin tại buổi Truyền thông thay đổi định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp.

Tại chương trình, các nghệ sĩ, diễn giả đã cùng nhau giao lưu, tương tác với các bạn học sinh về hành trình làm công nghệ, khó khăn, thuận lợi khi là nữ giới; vấn đề thường gặp khi tuyển dụng nhân sự liên quan đến giới tính, thực trạng khởi nghiệp của 2 giới hiện nay; tâm lý thanh thiếu niên, học sinh và phụ huynh trong việc chọn ngành nghề...

Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức các gian hàng kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức các trò chơi dân gian; tư vấn các nội dung về giới, chọn nghề, chọn trường, tuyển sinh cho học sinh THPT…

Nghệ sĩ biểu diễn tại chương trình và giao lưu với học sinh.

Chiến dịch được tổ chức trên quy mô cả nước trong tất cả đoàn viên, thanh niên dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ tháng 1/2022. Ở giai đoạn đầu tiên, chiến dịch có chủ đề “Việc nhà không của riêng ai” nhằm tuyên truyền về việc thay đổi định kiến: vai trò chính của phụ nữ trong gia đình là chăm sóc con cái.

Bước sang giai đoạn 2, chiến dịch có chủ đề “Cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính trong gia đình”, gồm nhiều hoạt động thú vị như triển khai cuộc thi tương tác trực tuyến, ra mắt MV ca khúc với cùng chủ để “Thanh niên chuẩn – Nói không với định kiến giới”, talkshow giao lưu trực tiếp với các chuyên gia và nhân vật truyền cảm hứng, ra mắt chuỗi phim sitcom “Chia sẻ trách nhiệm tài chính trong gia đình”.

Trong giai đoạn 3, chiến dịch được tổ chức gắn với chủ đề “Nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phụ thuộc giới tính” nhằm mục tiêu thay đổi định kiến về phân công công việc, đơn cử như định kiến cho rằng có những ngành nghề chỉ dành cho phụ nữ, trái lại nhiều công việc chỉ đàn ông mới có thể làm được.

Giai đoạn này, các nghệ sĩ Quang Minh “Tít”, Hoài Thương “Cin”, rapper Thái Nam “Gonzo” cùng nhiều diễn giả như Gám đốc marketing – Kinh doanh của VinID, OneMount Group Mai Lan Vân; TS Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục); MC Phí Nguyễn Thuỳ Linh, Đài Truyền hình Việt Nam… đã giao lưu, truyền cảm hứng về định hướng nghề nghiệp gắn với bình đẳng giới đến các bạn trẻ.

Theo đó, thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hàng chục nghìn học sinh trên cả nước đã được tiếp cận thông tin về hành trình của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ; những vấn đề liên quan đến giới tính thường gặp trong tuyển dụng nhân sự; thực trạng khởi nghiệp của 2 giới hiện nay; tâm lý thanh thiếu niên, học sinh và phụ huynh trong chọn nghề…

Bên cạnh đó, chương trình còn triển khai các gian hàng, triển lãm kết hợp nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, tư vấn các nội dung về giới, nghề nghiệp, chọn trường đại học.

Hải Đăng