Đi học lại, đừng ngần ngại!

CTG - Hầu hết người có tuổi, nhất là những người đã đạt được một vị trí nào đó hay công việc ổn định... đều ngần ngại mỗi khi nghe nhắc đến chuyện đi học lại.

Đi học lại, đừng ngần ngại! - Ảnh 1.
 

Cụ ông Nguyễn Huy Kỳ với nụ cười rạng rỡ ngày đạt được ước vọng trong sự học dù ở tuổi 82 - Ảnh: NAM TRẦN

Dẫu vậy, xã hội hiện đại với sự phát triển không ngừng hôm nay đã đặt chúng ta vào một vị thế khác.

Áp lực học dở sợ bị quê!

Hiện có vị trí quản lý tại một ngân hàng lớn, chị Quỳnh Anh (34 tuổi, ở quận 3, TP.HCM) cho biết rất muốn học tiếng Anh và văn bằng hai ngành quan hệ quốc tế nhưng vài năm qua vẫn chưa thực hiện được. Từng học kinh tế, ra trường và vào làm việc ở ngân hàng theo mong muốn của gia đình, sự nghiệp hiện có khá tốt rồi nhưng chị cho biết bản thân vẫn thấy thiếu điều gì đó!

"Giờ con cái mình cũng lớn, công việc tạm gọi là ổn định, bản thân có chút chủ động hơn về thời gian, muốn đi học nhưng lại sợ kiến thức không vô. Chưa kể học chung với mấy bạn trẻ mà mình học dở hơn thì kỳ lắm", chị Quỳnh Anh bộc bạch lý do khiến bản thân chần chừ nhiều năm qua.

Chị Quỳnh Anh không là ngoại lệ. Nhiều người khác cho biết dù rất muốn nhưng họ chần chừ đi học thêm, có khi là các kỹ năng còn thiếu, điều yêu thích hoặc có khi buộc phải học để bổ túc hồ sơ cho đúng quy định, hay là chỉ theo "phong trào" nhưng lại không thật sự tin bản thân sẽ tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Một trường hợp khác, dù có vị trí nhất định tại nơi công tác và lịch làm việc hầu như kín mít song thạc sĩ Trần Nam (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) vẫn quyết định đi học tiếng Anh lại. Với anh, đó không chỉ là ngoại ngữ yêu thích ngay từ lần đầu tiếp cận mà yêu cầu công tác hiện tại cũng đòi hỏi nhiều khả năng ngoại ngữ.

Dưới góc nhìn y khoa, bác sĩ CKI Phạm Minh Trường (sáng lập viên phòng khám PMT Aesthetic Clinic) cho biết thực tế khi càng lớn tuổi, việc tiếp thu kiến thức mới có phần thử thách hơn. "Bên cạnh yếu tố sinh học, những cá nhân trung niên trở lên còn có nhiều mối bận tâm khác như công việc, cuộc sống riêng... thường chiếm nhiều công sức, thời gian của họ hơn là việc học", anh phân tích.

Hiện là một TikToker "triệu view" và diễn giả chuyên nghiệp ở các hội thảo trong lĩnh vực thẩm mỹ nội khoa nhưng bác sĩ Trường vẫn quyết định đi học lại tiếng Anh. Lý do rất đơn giản là "để tôi có thể đọc tài liệu nước ngoài, tiếp xúc với đối tác nước ngoài và nhất là thực hiện tham vọng trở thành diễn giả hội thảo quốc tế".

Phải thay đổi, phải thích ứng

Anh Trần Nam nói rất yêu thích tiếng Anh ngay từ lần đầu học hồi cấp II ở quê nhưng thời điểm đó, việc học ngoại ngữ ở tỉnh khá khó khăn do thiếu tài liệu, giáo viên cũng thiếu. "Sau này lên Sài Gòn, gia đình cũng còn khó khăn lắm nên tôi chủ yếu tự học tiếng Anh hoặc trên Internet chứ đăng ký học ở trung tâm lớn là điều xa xỉ", anh Trần Nam nhớ lại.

Ngoài ra, anh Nam thừa nhận việc không có tiếng Anh tốt khiến cho cơ hội trong công việc bị giảm đi rất nhiều. Trước mắt chính là ảnh hưởng khả năng tiếp cận các tài liệu, gặp gỡ đối tác quốc tế. Trước nhận định "lớn tuổi học rất khó vô", anh Nam nói bản thân vẫn có khả năng tiếp thu tốt.

"Tôi quan niệm rằng học tập là việc trọn đời nên từ trước đến nay bản thân vẫn học tập liên tục thông qua các khóa học được tổ chức ở các trường, Internet hoặc qua việc đọc sách. Nếu có động lực mạnh mẽ từ bên trong, tôi nghĩ chúng ta sẽ thực hiện được, nên chẳng bao giờ là trễ để học lại", anh Trần Nam chia sẻ.

Còn nhớ năm ngoái, một nhân vật đã gây ấn tượng mạnh và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ là cụ ông Nguyễn Huy Kỳ khi tham gia và đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở tuổi 82! Là thương binh hạng 3/4 nên hành trình học hành của cụ Kỳ càng nhiều thử thách.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, một giảng viên hơn 50 tuổi đã chia sẻ chắc phải bỏ nghề vì... rất sợ công nghệ! Lý do thầy thấy quá áp lực với việc đăng nhập, nạp dữ liệu, giảng dạy, chấm bài online quá khó hiểu với một người chỉ biết dùng để nghe và gọi. Nhưng vài tháng sau gặp lại, thầy hồ hởi khoe việc dạy online không còn là "ác mộng" khi được con gái và sinh viên hướng dẫn.

Không thể sống mãi trong "hào quang quá khứ"

Hàng loạt công ty công nghệ sa thải lao động trí óc với con số tính bằng hàng chục ngàn. Nhiều công ty liên tục cho công nhân lao động chân tay nghỉ việc do nhiều thứ, nhiều công đoạn đã được trí tuệ nhân tạo làm thay một cách hoàn hảo... là minh chứng khá rõ nét.

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân từng chia sẻ rằng tương lai không dành cho những tư duy cũ, cách làm cũ, những con người cũ. Ngay cả người có nhiều kinh nghiệm trong ngành nhưng sống trong "hào quang quá khứ", sống bám vào lối mòn sẽ không phù hợp trong sự biến động như vũ bão của thế giới và thế kỷ này.

Có lẽ thời sự nhất lúc này là sự ra đời của siêu AI ChatGPT chắc chắn không chỉ là lời cảnh báo với người học mà thậm chí với cả tương lai người dạy. "Chúng ta chẳng có sự lựa chọn, tất cả phải không ngừng nâng cao và tái tạo kiến thức lẫn kỹ năng" - chị Phi Vân nói.

theo tuoitre