Diễn đàn “Điều em muốn nói”: Hãy lắng nghe để có thể hiểu con hơn

(CTG) Sáng nay 17/5/2022, tại Trường THCS Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương, Báo Tiền phong phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND Quận Ba Đình tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”.

 

Xúc động lễ chào cờ tại Trường THCS Giảng Võ.

Tham dự chương trình có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; anh Lê Hải Long, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương; Nghệ sĩ Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Phó Chủ tịch Trugn ương Hội LHTNViệt Nam; Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong; Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; cùng đông đảo các em học sinh Trường THCS Giảng Võ.

Tại diễn đàn, anh Nguyễn Minh Triết – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, trao 25 suất học bổng trị giá 150 triệu đồng cho ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đại diện nhận.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Đại dịch thế kỷ đã tác động sâu sắc đến toàn nhân loại, nhiều giá trị bị đảo lộn, mối tương tác giữa con người và nhiều nhiều thói quen mang tính truyền thống đã thay đổi. Các em là những người cảm nhận rất rõ điều này. Đứng trước sự thay đổi bất ngờ đó, nhiều bạn đã thích ứng, thích nghi và chung sống tốt với hoàn cảnh mới. Nhưng thật đáng tiếc là cũng có rất nhiều học sinh đã cảm thấy chông chênh, bế tắc, đan xen nhiều cảm xúc thiếu tích cực, lệch lạc… Điều đó nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển trong tương lai của các em, và trong nhiều trường hợp, hệ quả tiêu cực đã xảy ra ngay tức thời.

"Là cơ quan truyền thông, hằng ngày tiếp xúc với những thông tin không mấy tích cực về tình trạng này, chúng tôi cứ bị thôi thúc cần phải làm điều gì đó góp phần cải thiện tình hình. Thông qua diễn đàn, chúng tôi rất muốn lắng nghe thật nhiều những chia sẻ thật, những điều thầm kín, những rắc rối, trở ngại và cả những bế tắc mà các em gặp phải trong cuộc sống, học tập, tình bạn, sức khoẻ, gia đình… Và không chỉ lắng nghe, tham dự diễn đàn còn có các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục, các nghệ sĩ, nhà văn, hoa hậu, bác sĩ… sẽ cùng trao đổi, gợi mở để chúng ta cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách lạc quan và tự tin bước về phía trước…", nhà báo Phùng Công Sưởng nói.

Diễn đàn "Điều em muốn nói" có sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo phòng GD&ĐT đến từ 30 quận, huyện, ban giám hiệu các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Áp lực học online

Tham gia diễn đàn, em Trần Minh Tâm - học sinh lớp 9 chia sẻ.

Tham gia diễn đàn, em Trần Minh Tâm - học sinh lớp 9 thừa nhận trong thời gian đầu học trực tuyến cảm thấy thỏa mái, tự do nhưng cũng vì thế mà thấy buông lỏng hơn trong quá trình học tập và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học và khả năng tiếp thu bài của em. "Sau khi trở lại học trực tiếp, kết quả bài thi sẽ có thể bị ảnh hưởng. Điều này thực sự rất đáng lo, nhất là khi em sắp bước vào kỳ thi cấp 3 căng thẳng. Khóa của em bị ảnh hưởng 3 năm bởi dịch COVID-19, em luôn mong muốn và hi vọng có thể quay trở lại trường học sớm nhất để gặp thầy cô bạn bè", học sinh Trần Minh Tâm nói.

Một học sinh khác tâm sự: "Điều bất lợi khi em mới học online là không quen sử dụng các thiết bị điện tử nhưng sau 1-2 ngày thì em đã quen. Nhưng dùng thời gian dài em cảm thấy mệt mỏi, đau mắt. Kết quả là phải dùng kính cận".

"Lần đầu tiên học online em có cảm giác thiếu tập trung, khác hẳn với học trực tiếp trên trường. Mỗi khi có trục trặc về đường truyền, việc tiếp thu bài học sẽ bị gián đoạn. Bên cạnh đó, em cũng không thể gặp hay trò chuyện với các bạn trong lớp", một học sinh khác nói.

Các diễn giả giao lưu với các em học sinh.

Vượt qua áp lực học tập

Chia sẻ tại diễn đàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, "Điều em muốn nói" là diễn đàn rất hay và ý nghĩa; đồng thời đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của báo Tiền Phong và các đơn vị phối hợp, đồng hành.

Chia sẻ câu chuyện thời đi học của nhà thơ trong thời “mưa bom bão đạn”, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đặt câu hỏi dành cho học sinh về áp lực của học sinh, học giỏi có áp lực, học giỏi có khó... và nhận được câu trả lời áp lực đến từ việc học tập, phải học giỏi và thi cử.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, thời nào cũng có áp lực, thời "mưa bom bão đạn cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực". “Ở lứa tuổi học sinh, điều quan trọng nhất là học tập. Học và học giỏi là điều không khó”, nhà thơ bộc bạch.

Bí quyết của nhà thơ Trần Đăng Khoa thời đi học là bỏ ra hai ngày cuối tuần để đọc hết sách giáo khoa của cả năm học, rồi trước mỗi buổi học đều tìm hiểu, chuẩn bị bài trước ở nhà nên có thể nhớ bài giảng của giáo viên ngay tại lớp. "Có hai môn quan trọng Toán và Văn. Toán thì phải tìm được đáp số như vào ngôi nhà thì phải mở được cánh cửa. Muốn mở cửa phải chìa khóa. Vậy chìa khóa của Toán là các định lý... Còn Văn, các em chỉ cần đọc sách. Bác Khoa chỉ có một bí kịp là đọc, đọc thuộc làu sách giáo khoa", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, áp lực trong lứa tuổi học trò còn đến từ bạn bè. Muốn cởi bỏ áp lực này, các học sinh cần hiểu bạn mình. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước mỗi kỳ thi về việc thi đỗ và thi không đỗ để tránh bị "sốc". "Nếu thi đại học không đỗ, chỉ có một cánh cửa khép nhưng còn muôn vàn cánh cửa khác mở ra, có điều chúng ta có bình tĩnh để nhìn thấy những cơ hội mới đó không", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.

NSƯT Xuân Bắc giao lưu với các em học sinh.

Tham gia diễn đàn, NSƯT Xuân Bắc cũng dành cho các bạn học sinh của Trường THCS Giảng Võ những câu hỏi đầy tâm lý như “Bao nhiêu bạn có cảm giác nhiều lúc bố mẹ không hiểu gì mình?”, “Có bao nhiêu chuyện mà các em nói với bố mẹ mà bố mẹ không quan tâm đầy đủ?”…. Đó cũng chính là những lý do mà NSƯT Xuân Bắc và Ban tổ chức tổ chức diễn đàn ngày hôm nay.

Là người của công chúng và cũng là một người bố, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ do đặc thù công việc nên anh hay phải thức khuya chính vì vậy nên không phải sáng nào anh cũng đưa các con đi học. “Thức dậy sớm với tôi là một cực hình” – Xuân Bắc chia sẻ.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, tặng hoa các đại biểu, khách mời tham gia diễn đàn: TS Nguyễn Thanh Sơn; nhà thơ Trần Đăng Khoa, NSƯT Xuân Bắc; cô Tô Thị Hải Yến, Hoa hậu Việt Nam 2022 Đỗ Thị Hà.

Chính vì vậy, NSƯT Xuân Bắc mong các bạn học sinh hiểu rằng việc bố mẹ đưa các con đi học mỗi sáng là một sự cố gắng rất lớn của các bậc phụ huynh. “Không phải lúc nào bố mẹ cũng đủ điều kiện để chăm lo cho các con nhưng lẽ sống của bố mẹ chính là các con và tình yêu của cha mẹ dành cho các con là vô bờ bến”, anh Bắc nói.

NSƯT Xuân Bắc cũng hài hước cho biết anh thường xuyên tới các trường học để làm việc với các bạn học sinh và thấy rằng làm việc với các bạn cấp 1 và cấp 3 thì rất dễ nhưng với các bạn học sinh cấp 2 ‘ẩm ương’ thì lại rất khó làm việc.

Hải Đăng