Đoàn góp phần to lớn vào xây dựng nông thôn mới: Làm cho làng quê đáng sống

(CTG) Trong Tháng Thanh niên 2024, tuổi trẻ Cần Thơ đã thực hiện nhiều phần việc ở đô thị và nông thôn, mang lại hiệu ứng tích cực về thông điệp bảo vệ môi trường, xây dựng quê hương giàu đẹp.

"Thay áo mới" cho công viên

Gần đây, công viên trong khu dân cư An Thới (KV.2, P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) nhận được nhiều lời khen của người dân qua lại. Bởi mặt trước bức tường cao 0,6 m làm bờ kè chắn nước từ sông Hậu được thay "áo mới" đẹp đẽ. Những vết bẩn được xóa để thay thế bằng chuỗi các bức bích họa sinh động. Nội dung truyền tải gần gũi, dễ hiểu về bảo vệ môi trường, sinh vật biển; phân loại, chống rác thải nhựa; tiết kiệm điện, nước; an toàn giao thông nông thôn.

Nội dung những bức bích họa truyền tải thông điệp gần gũi, dễ hiểu Ảnh: THANH DUY

Nội dung những bức bích họa truyền tải thông điệp gần gũi, dễ hiểu

THANH DUY

Bà Bùi Thị Xuyên (40 tuổi, người địa phương) cho biết mỗi ngày công viên có nhiều người đến tập thể dục, vui chơi, có cả trẻ em. Ngoài việc vẽ tranh, các bạn trẻ còn thay nhau dọn dẹp vệ sinh để cảnh quan luôn sạch đẹp.

"Nhiều người tấm tắc khen ý tưởng vẽ tranh rất đúng chỗ. Tôi có động lực hơn khi để dành thời gian ra công viên. Sự phấn khởi có lẽ vì không gian thoáng đãng, đặc biệt là sạch đẹp và đáng sống hơn so với trước", bà Xuyên tâm sự.

Công trình được thực hiện bởi Đoàn Thanh niên P.An Thới cùng sinh viên tình nguyện Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Hơn 20 bạn trẻ đã cùng nhau làm việc trong 4 ngày để hoàn thành tác phẩm. Chiều dài bức tường làm bờ kè là 160 m, đội vẽ hơn 30 bức bích họa (dài khoảng 50 m) tại khu vực trung tâm có lắp các thiết bị tập thể dục, phần còn lại sơn mới.

Anh Trần Phú Quý, Bí thư Đoàn phường An Thới, cho biết đội tình nguyện vẽ từ 16 - 19 giờ. Đèn đường có nhưng không rõ, mọi người phải bật đèn LED điện thoại chiếu sáng, tỉ mỉ vẽ từng đường nét. Những bức bích họa còn hạn chế về mặt nghệ thuật, song mọi người đặt tất cả tâm huyết vào đó.

"Trong lúc chúng tôi vẽ thì nhiều người dân đến hỏi thăm, nhận xét tích cực về ý tưởng. Bà con ở gần thấy thời tiết nóng nên pha trà chanh, trà đường cho uống. Được ủng hộ, tiếp sức nên mọi người quên đi mệt nhọc", anh Quý chia sẻ.

Theo ông Đỗ Thành Quận, Trưởng ban Công tác Mặt trận KV.2 (P.An Thới), nơi đây có hơn 100 hộ dân, nhưng người đến công viên nhiều hơn thế, vì nơi khác cũng đến. "Công trình không quy mô nhưng vô cùng thiết thực, ý nghĩa. Nhiều thiếu nhi đến đây đã thể hiện rõ sự yêu thích các bức tranh, đọc thuộc lòng các câu slogan tuyên truyền. Qua đó giáo dục cho thế hệ tương lai ý thức về việc gìn giữ quê hương sáng - xanh - sạch - đẹp", ông Quận nói.

Người dân có động lực đến công viên hơn vì sạch đẹp,  đáng sống so với trước đây

Người dân có động lực đến công viên hơn vì sạch đẹp, đáng sống so với trước đây

THANH DUY

Trồng bần chống sạt lở

Trong nhiều phần việc Tháng Thanh niên, tuổi trẻ Cần Thơ còn mang đến món quà ý nghĩa cho vùng nông thôn xã Thạnh Quới, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ. Đó là trồng 1.000 cây bần chống sạt lở ven kênh Láng Sen - Láng Chiêm dài 4,2 km, nối 3 ấp (Quy Lân 5, 6, 7). Ngày ra quân, cả chính quyền xã, đoàn thanh niên, công an, dân quân tự vệ và người dân đều hào hứng chung tay góp sức.

Khu vực trồng bần chạy dọc đường giao thông nông thôn, trước đây bề ngang chỉ 2 m. Mới đây, H.Vĩnh Thạnh đầu tư mở rộng đường 4 m, với số tiền hơn 9 tỉ đồng. Đoạn đường đang được đổ đá, xáng múc lấp đất hai bên. Ven bờ sông, người dân đồng thuận làm bờ kè bằng cừ tràm để chống sạt lở, nhưng hầu hết chưa có bần giống để trồng. Lực lượng thanh niên tình nguyện đã chia ra từng nhóm, người xoắn quần trồng cây trên bãi bồi, người đi bằng vỏ lãi trên sông.

 
Công trình tặng giống, hỗ trợ công trồng bần được  chính quyền xã và người dân ủng hộ

Công trình tặng giống, hỗ trợ công trồng bần được chính quyền xã và người dân ủng hộ

THANH DUY

Ông Trần Văn Trăng (49 tuổi, ngụ ấp Quy Lân 7) cho hay bà con rất đồng tình việc trồng bần vì hiệu quả chắc bờ, giữ đất tốt. Thấy thanh niên tình nguyện quần áo lem luốc bùn đất, mướt mồ hôi, ông cảm kích và nói sẽ nhắc nhở gia đình giữ gìn để không cây nào bị hao hụt. Tới đây, khi con đường hoàn thành, dàn bần lớn lên sẽ góp phần rất đáng kể vào việc bảo vệ môi trường sống xanh, xây dựng làng quê đáng sống.

Ông Nguyễn Đông Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Quới, cho biết mặc dù tần suất không nhiều nhưng các con kênh nội đồng thỉnh thoảng vẫn xảy ra sạt lở khiến người dân lo lắng. Vì thế, việc thanh niên hỗ trợ trồng bần trước mọi nhà, kết hợp tuyên truyền có tác động tích cực đến ý thức từng hộ gia đình về chống sạt lở. Đây là một việc làm có ý nghĩa khi xã Thạnh Quới đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Theo TN