Độc đáo mô hình làm tranh từ lá bồ đề

(CTG) Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu có sẵn tại các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, anh Đặng Duy Khánh, người con của xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã biến những chiếc lá bồ đề thành các sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa tâm linh, độc đáo…

Chia sẻ với chúng tôi, anh Khánh nói: “Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền với chuyên ngành quản lý xã hội nhưng tôi lại quyết rẽ hướng khởi nghiệp làm tranh nghệ thuật từ lá cây bồ đề. Bản thân đã tự tìm tòi, nghiên cứu, lên ý tưởng, mong muốn có được một sản phẩm cho riêng mình. Từ năm 2017, tôi đã cho ra những khung sườn từ những chiếc lá bồ đề đã sơ chế và đã tạo ra nhiều sản phẩm tranh, móc khóa đa dạng, đẹp mắt, nhằm mục đích đa dạng hóa các sản phẩm làm quà lưu niệm trong tỉnh, mang tính đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng về Phật giáo”.

Anh Khánh bên các sản phẩm độc đáo làm từ lá bồ đề, trưng bày tại các sự kiện lớn của Sóc Trăng.

Anh Khánh chia sẻ niềm vui của mình khi sản phẩm đưa ra thị trường được nhiều người đón nhận: “Khách hàng đã tiêu thụ trên 1.000 móc khóa, 10 bức tranh. Nhà hàng Gạo Tẻ tại TP Sóc Trăng đã chọn sản phẩm tranh từ lá bồ đề là sản phẩm trưng bày thường xuyên”.

Theo anh Khánh, làm tranh lá bồ đề phải qua nhiều công đoạn lựa chọn với nhiều tiêu chí như: lựa chọn lá, xử lý tách chất diệp lục để ra chất liệu xương lá trắng làm tranh phải mất thời gian gần 2 tháng mới đạt tiêu chuẩn. Dòng tranh này hiện có 2 màu chủ đạo là trắng và vàng. Riêng màu vàng được xử lý nhuộm bằng các loại màu thiên nhiên từ rau, củ, quả”.

Sản phẩm độc đáo được làm từ lá Bồ đề

Chủ đề tranh lá bồ đề do anh Khánh làm ra cũng khá đa dạng về chủng loại để khách hàng có thể dễ dàng chọn lựa trang trí cho gia đình, cửa hàng hoặc cơ quan đơn vị, chủ yếu gồm: tranh về đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tranh thư pháp, tranh hoa bồ đề, cây bồ đề, bướm… “Tùy kích thước, muốn có một bức tranh hoa bồ đề phải sử dụng từ vài chục đến hàng trăm lá để đính và lồng ghép với nhau. Với tranh cây bồ đề thì có sử dụng thêm chất liệu vỏ cây khô để đính ghép làm thân cây, phần lá sẽ sử dụng xương lá bồ đề trắng để làm. Còn tranh hình Phật và thư pháp thì sử dụng lụa để quét hình lên khuôn”, anh Khánh chia sẻ.

Giá mỗi bức dao động vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Nhờ đó anh có thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, từ việc thuê lao động để thực hiện các công đoạn sơ chế lá, anh Khánh còn tạo điều kiện giúp đỡ chị em phụ nữ tại địa phương có công ăn việc làm, thu nhập từ đó cũng ổn định hơn (từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng).

Chia sẻ về những dự định của mình sắp tới, anh Khánh cho biết: Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra thị trường thêm nhiều màu sắc được chiết xuất từ thiên nhiên như màu hường, đỏ…nhằm đa dạng hơn chủ đề tranh. Bên cạnh đó, tôi còn dự định sẽ tham dự chương trình do Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức, Hội chợ Xuân tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Xuân tại Trung tâm Văn hóa Hồ Nước Ngọt để trưng bày, giới thiệu khoảng 1.500 sản phẩm và 50 bức tranh.

Sản phẩm tâm linh của anh Khánh được nhiều người lựa chọn.

Sản phẩm tranh từ lá bồ đề của anh Đặng Duy Khánh đã vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng lựa chọn là một trong những sản phẩm để trưng riêng trong hội trường trong những ngày trưng bày tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây anh Khánh cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tặng thưởng Bằng khen tại Hội nghị vinh danh những người có ý tưởng, sáng tạo mới và sơ kết 03 năm thực hiện phong trào “Đoàn kết sáng tạo” năm 2020.

Nguồn: ĐĐK