Những bức tranh chân dung Bác Hồ, chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trống đồng Đông Sơn... được làm từ lá thốt nốt qua bàn tay của anh Nguyễn Vũ Linh, 26 tuổi, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú, An Giang) trở nên tuyệt đẹp. Điều Linh mong muốn là tạo nên thương hiệu từ đặc sản quê mình và tăng thu nhập cho người dân. |
Cây thốt nốt gắn với đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên bao đời nay. Tuy nhiên trước giờ người dân chủ yếu sử dụng trái để bán sản xuất đường là chính, còn lá gần như chưa mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Chính vì thế, Vũ Linh nảy ra ý tưởng cho ra đời những bức tranh bằng lá thốt nốt để tăng thêm thu nhập cho nông dân. |
Anh thu mua lá thốt nốt của người dân Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đem về phơi khôi rồi chế tác thành tranh. "Đối với lá thốt nốt trước giờ gần như người dân chưa khai thác tạo nên giá trị nhưng khi trở thành bức tranh thì giá trị nâng lên gấp nhiều lần. Điển hình là ở đây, mỗi bức tranh được làm bằng lá thốt nốt có giá từ vài trăm nghìn, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng tùy kích cỡ, mẫu mã", Vũ Linh chia sẻ. |
|
Hiện nay thị trường tranh đa dạng nên Vũ Linh nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm mới và có sự khác biệt, điển hình như các bức tranh bằng lá thốt nốt khắc laser. "Làm tranh loại này cũng kỳ công không kém sản phẩm tranh gỗ hay mô hình làm bằng tăm tre", Vũ Linh nói. Theo anh, để có được bức tranh đẹp phải chọn lá thật kỹ, đều màu, phải thực hiện các bước bảo quản để lá được bền, đẹp. Ngoài tranh làm từ lá thốt nốt, Linh còn đang ấp ủ thực hiện thêm các sản phẩm từ trái và tàu lá thốt nốt, nhưng cần thêm thời gian để nghiên cứu. |
|
|
Cuối năm 2018, Vũ Linh khởi nghiệp với sản phẩm là những mô hình bằng tăm tre do chính tay mình làm ra. Đến nay đã có hàng trăm sản phẩm, từ đơn giản đến phức tạp khiến người xem trầm trồ, thán phục như cầu Mỹ Thuận, tháp Eiffel, đền thờ bác Tôn, quà lưu niệm... Vũ Linh bán hàng online, các khu du lịch và được bạn bè, người quen ủng hộ. "Từ lâu muốn làm gì đó cống hiến cho quê hương và mang thương hiệu của thanh niên An Giang nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng khi Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh tạo điều kiện cho đi học, tập huấn về kỹ năng, đào tạo khởi nghiệp, cũng như gặp được nhiều người, mình đã nung nấu quyết tâm và mở cơ sở cho đến giờ", chàng trai 9X chia sẻ. |
Theo TP