Đội thanh niên cứ nửa đêm đi vá đường

(CTG) Nhiều khi mới đêm qua chạy ngang còn lởm chởm ổ gà, sáng cũng con đường ấy bà con đã đi lại ngon lành. Những ổ gà, hố voi trên nhiều tuyến hẻm ở phố núi Gia Lai lành lặn trở lại từ bàn tay của những chiến sĩ tình nguyện vá đường nhiều tháng qua.

Niềm vui của các thành viên dự án
 

Niềm vui của các thành viên dự án "Tuyến đường bình yên" sau khi hoàn thành công việc - Ảnh: TUẤN THÀNH

Đội có 30 thành viên hoàn toàn tình nguyện tham gia dự án "Tuyến đường bình yên" do trung úy Lê Tuấn Thành - Công an xã Hra, huyện Mang Yang (Gia Lai) - làm chủ nhiệm.

Được khởi xướng từ tháng 8-2023, đến nay đã có 13 tuyến đường, hẻm với gần 20km tại TP Pleiku và huyện Ia Grai (Gia Lai) được giặm, vá những chỗ bị hư hỏng, trả lại mặt đường bằng phẳng cho bà con đi lại yên tâm hơn.

Mùa nắng tụi mình tranh thủ vá đường cho bà con đi lại an toàn, mùa mưa tụi mình lại đi trồng cây xanh và kêu gọi mọi người cùng nhặt rác góp phần bảo vệ môi trường. Còn nhiều việc tình nguyện cần làm lắm.
Chị NGUYỄN THỊ NGÀ (thành viên dự án "Tuyến đường bình yên")

Soi đèn pin trộn bê tông vá đường

Vốn là dân mê làm thiện nguyện, di chuyển liên tục và thấy những tuyến hẻm, đường giao thông nông thôn có đoạn xuống cấp tạo thành ổ gà, ổ voi. Những mặt đường như thế gây khó khăn không ít cho bà con khi đi lại, đã có những học sinh bị té ngã. Anh Lê Tuấn Thành bàn với các bạn triển khai dự án "Tuyến đường bình yên".

Vì hầu hết các tình nguyện viên ban ngày đều phải đi làm, đi học nên cả đội tranh thủ vá đường vào ban đêm. Một phần cũng vì thời điểm này ít xe cộ qua lại, có thể làm nhanh và trời đêm cũng mát mẻ nên công việc thuận tiện hơn. Có những nơi thiếu sáng, các bạn tự soi đèn pin trộn bê tông để làm.

 

Anh Tuấn Thành kể mục tiêu cả đội đặt ra là cố gắng giặm, vá những đoạn đường bị xuống cấp nhiều ổ gà, ổ voi gây nguy hiểm cho cả người và phương tiện lưu thông.

"Tính đến hiện tại, tụi mình đã giặm, vá, sửa chữa được 13 tuyến đường với tổng chiều dài gần 20km ở một số khu vực của huyện Ia Grai và TP Pleiku, sử dụng khoảng gần 100 khối bê tông" - Thành khoe.

Lần gần nhất, cả đội đã tập kết đá, cát, xi măng tiếp tục thực hiện đợt hai tại tuyến đường hẻm 125 Hoàng Sa (TP Pleiku). Tuyến hẻm dài gần 2km, các bạn dùng khoảng 20 khối bê tông lấp vá ổ voi, ổ gà. Bà con sống quanh đấy thấy các bạn làm liền ra hỗ trợ nước trộn bê tông và một số người cùng làm.

Chưa hết, một số nhà dân gần đó còn phục vụ nước mát tiếp sức cho các tình nguyện viên. Hầu như chẳng có ai là thợ chuyên cả nhưng ai cũng biết cầm bay chà láng mặt phẳng nhìn khá chuyên nghiệp. Cứ vậy, những con đường cứ như mới dần hiện ra dưới mỗi đường bay của đội.

Từ Thanh Hóa vào phố núi lập nghiệp, anh Nguyễn Đình Tấn (31 tuổi, tình nguyện tham gia dự án vá đường này) cho hay: "Tôi thấy việc làm ấy quá ý nghĩa nên tự đóng góp chút kinh phí, công sức và cùng mọi người làm. Sau mỗi tuyến đường được vá, chúng tôi ai cũng vui khi nghe bà con nói lời cảm ơn".

Dưới ánh đèn đường, các bạn trẻ đội tình nguyện vá đường ở phố núi lại cùng nhau làm việc có ích cho đời - Ảnh: TUẤN THÀNH

Dưới ánh đèn đường, các bạn trẻ đội tình nguyện vá đường ở phố núi lại cùng nhau làm việc có ích cho đời - Ảnh: TUẤN THÀNH

Trao niềm vui, chúng tôi lại lên đường

Có hôm đến gần khuya, khi sương bắt đầu nặng hạt và giăng khắp phố núi, đội quân vá đường mới hoàn thành những mẻ bê tông cuối cùng. Dù thấm mệt nhưng ai nấy đều vui vẻ thu dọn đồ nghề trở về nghỉ ngơi để hôm sau lại đi làm, đi học.

Ông Nguyễn Văn Thuyết - tổ trưởng tổ dân phố 10, phường Ia Grin (TP Pleiku) - cười tươi: "Được các bạn giúp con hẻm mấy nay đã bằng phẳng, bà con đi lại thuận tiện, mọi người phấn khởi lắm. Đường không còn gồ ghề nên chắc chắn mùa mưa năm nay bà con đi lại đỡ vất vả hơn nhiều. Chúng tôi rất cảm ơn các bạn trong đội tình nguyện vá đường" 

Chủ nhiệm dự án nói thấy bà con đón nhận tích cực, nhiều gia đình sẵn sàng hỗ trợ nước, thêm dụng cụ để làm, rồi lo nước uống cho đội nữa khiến các bạn rất vui. Nhận lời cảm ơn của bà con, cả thư cảm ơn của tổ dân phố, rồi được chính quyền địa phương ghi nhận, mọi người thấy ấm lòng. Niềm vui khó diễn tả, bởi bất kỳ thành viên nào trong đội cũng chỉ tâm niệm thấy việc tốt nên làm thôi.

Có mặt tại hầu hết các tuyến hẻm đã làm, chị Nguyễn Thị Ngà chia sẻ mỗi khi nghe có em học sinh nào đó đạp xe đi học về buổi tối vì không nhìn thấy ổ gà bị té ngã trầy xước thấy rất thương và xót xa. Nên khi dự án triển khai, chị tham gia ngay cùng mọi người.

Ngoài giờ làm việc, chị Ngà nói được cùng mọi người làm việc có ý nghĩa cũng là cách giúp vơi đi stress trong cuộc sống. "Mỗi con hẻm làm xong, thấy bà con đều vui, tụi mình lại bắt tay đến những tuyến hẻm khác" - chị Ngà cười.

Ông Lê Trường Sơn - phó chủ tịch xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) - chia sẻ rằng chính quyền đánh giá rất cao việc làm ý nghĩa của đội hình tình nguyện vá đường. "Chúng tôi cảm ơn tinh thần và việc làm quá hay của cả đội rất nhiều. Điều này đã hỗ trợ địa phương làm tốt hơn các nội dung vì cộng đồng, chăm lo cho bà con" - ông Sơn nói.

Tự góp tiền mua vật liệu và làm

Để có thể làm tốt và đúng, các bạn đã tham khảo chuyên môn từ những người thợ xây. Vì 30 tình nguyện viên đủ lứa tuổi, ngành nghề, không ai làm dân thợ hồ hay xây dựng gì hết! Từ những điều hỏi thăm thợ chuyên môn, các bạn cứ làm thực tế rồi học hỏi thêm nên ngày càng ra dáng chuyên nghiệp.

"Mỗi lần làm rồi tự rút kinh nghiệm dần, vậy là những đợt sau hoàn thiện tốt hơn. Còn nguồn nguyên vật liệu do các thành viên tự đóng góp kinh phí để mua và thực hiện" - Tuấn Thành cho biết.

Anh công an mê tình nguyện

Năm 2023, trung úy Lê Tuấn Thành là một trong 20 bạn trẻ được Hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc và đoạt giải thưởng "Thanh niên sống đẹp". Anh cũng là một trong 10 cá nhân được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì đoạt giải thưởng "Tình nguyện quốc gia" cùng năm này.

Ngoài dự án "Tuyến đường bình yên", hiện Tuấn Thành đang cùng các tình nguyện viên thực hiện một số dự án như "Hành trình xanh" đi trồng rừng, cây xanh; "Tủ sách thắp sáng đạo đức" tặng sách cho các trại giam, cơ sở cai nghiện ma túy; và mô hình "Lớp học tình thương" cho bà con đồng bào dân tộc còn chưa rành con chữ.

Theo TT