Đồng Tháp: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng nấm Bào Ngư của đoàn viên thanh niên

(CTG) Trong thời gian qua, mô hình trồng nấm Bào Ngư được xây dựng và nhân rộng ở một số địa phương trong tỉnh Đồng Tháp. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả đang được triển thực hiện trong đoàn viên, thanh niên, tiêu biểu như Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư của đoàn viên, thanh niên phường An Hòa, TP. Sa Đéc.



Đầu năm 2013, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Thành Đoàn Sa Đéc về chuyên môn, nghiệp vụ, thủ tục để thành lập THT; trên cơ sở sự địnhh ướng của cấp ủy, căn cứ vào điều kiện xây dựng mô hình kinh tế tại đại phương, phường Đoàn An Hòa đã đăng ký với Thành Đoàn thực hiện mô hình Tổ hợp tác trồng nấm Bào Ngư. Khi mới thành lập, Tổ hợp tác có 04 bạn đoàn viên, thanh niên, trong đó có 01 tổ trưởng, 01 tổ phó.

Tổ hợp tác trồng nấm Bào Ngư phường An Hòa được thành lập với  số vốn ban đầu trên 70 triệu đồng. Được sự hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, Trạm khuyến nông Thành phố, với số tiền góp vốn ban đầu của các tổ viên, tổ hợp tác đầu tư cho công tác chuẩn bị thực hiện mô hình: trại trồng nấm với diện tích 100m2, 10.000 bịt phôi giống, chuẩn bị nguyên liệu làm môi trường nuôi nấm như: rơm, rạ và mùn cưa, thân bắp, bã mía, cùi bắp....Việc theo dõi, chăm sóc nấm được các thành viên trong tổ phân công luân phiên nhau thực hiệc, mỗi ngày tưới nấm từ 1 -2 lần, tưới ướt các vách, nóc và nền nhà để tạo độ ẩm không khí cần thiết cho nhà trồng nấm.

Sau nửa tháng thực hiện mô hình, các thành viên trong tổ hợp tác đã thu hoạch đợt nấm đầu tiên. Mỗi đợt trồng kéo dài từ 3 – 4 tháng. Với 10.000 bịt phôi, mỗi ngày Tổ hợp tác thu hoạch từ 25 - 30 kg nấm tươi,  giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, được tiêu thụ tại địa phương, trừ các khoảng chi phí với diện tích trên lợi nhuận thu hơn 30 triệu đồng/đợt nuôi trồng. Từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác đã tiến hành 02 đợt nuôi.

Thực hiện mô hình trồng nấm Bào Ngư không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn giải quyết được vấn đề mô trường trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên liệu làm nấm Bào Ngư là các phụ phế phẩm nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ, bã mía, vỏ hạt bông,… được tái sử dụng. Đồng thời, bã nấm lại có thể chế biến thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Phế phẩm sau khi trồng nấm Bào Ngư còn có thể sử dụng trồng nấm rơm, làm phân bón, nuôi trùng đất phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt.

Tổ hợp tác trồng nấm Bào Ngư đi vào hoạt động đã góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm ổn định cho thanh niên tại địa phương, giới thiệu được mô hình mới đến nhiều thanh niên học hỏi, nghiên cứu thực hiện.

 
Theo Báo Đồng Tháp