Trải nghiệm mới mẻ
Giữa tháng 10, hành trình trò chơi lớn của Quận Đoàn - Hội LHTN quận Ngũ Hành Sơn được tổ chức với sự tham gia của 250 bạn trẻ đến từ các Hội LHTN, CLB, Đội, Nhóm trên địa bàn. Với chủ đề “Đến với địa chỉ đỏ - Khám phá Di sản văn hóa”, lần đầu tiên hoạt động được tổ chức với quy mô lớn, tạo ra một hành trình xuyên suốt các di tích lịch sử, văn hóa và địa chỉ đỏ của địa phương.
Tất cả các hoạt động trong trò chơi như giải mật thư, truyền tin, thực hiện thử thách… đều được lồng ghép các kiến thức văn hóa, lịch sử; đồng thời gắn với tìm hiểu, khám phá các danh thắng, địa chỉ đỏ, di tích nổi tiếng của quận như: Khu căn cứ cách mạng K20, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đình làng Khuê Bắc... Đặc biệt, trong hành trình trò chơi lớn lần này, Ban tổ chức đã mang sân khấu bài chòi đến với các bạn trẻ. Với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ hát bài chòi, bạn trẻ vừa được thưởng thức trò chơi dân gian độc đáo, vừa được trải nghiệm hành trình trò chơi lớn đầy mới mẻ.
Sân khấu hô hát bài chòi thu hút rất đông các bạn trẻ Ảnh: Giang Thanh |
Tham gia sân chơi, bạn Vương Ngọc Trãi (Đoàn phường Hòa Hải), bị cuốn hút bởi việc lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử. “Đây là trải nghiệm rất mới mẻ đối với tôi. Không chỉ được rèn luyện các kỹ năng thanh niên, mỗi bạn trẻ đều có cơ hội tìm hiểu, học những bài học văn hóa, lịch sử thông qua mỗi điểm đến cũng như các yếu tố truyền thống được lồng ghép, cài cắm xuyên suốt hành trình”, Trãi chia sẻ.
Trước đó, Quận Đoàn Liên Chiểu phối hợp với trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng đưa rối nước xuống phố phục vụ bạn trẻ và người dân trên địa bàn. Lấy cảm hứng từ vũ điệu Apsara truyền thống của người Chăm và những vở múa rối kinh điển, buổi trình diễn rối nước thu hút 500 bạn trẻ tham gia. Mới đây, Đoàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), đưa văn hóa làng biển Nam Ô và nghề làm nước mắm đến gần hơn với cộng đồng thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng, hô hát bài chòi,…
Gieo tình yêu văn hóa trong tim người trẻ
Anh Huỳnh Thanh Bình - Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu cho biết, những hoạt động trên thu hút đông đảo sự quan tâm của thanh thiếu nhi trên địa bàn và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. “Thông qua đó, những bài học về văn hóa, lịch sử được truyền tải đến người trẻ một cách đa dạng, dễ hiểu và thu hút hơn. Chúng tôi mong muốn người trẻ sẽ yêu hơn văn hóa, hồn cốt dân tộc và góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của địa phương”, anh Bình cho biết.
“Chúng tôi kỳ vọng, qua những sân chơi bổ ích, hấp dẫn về văn hóa, lịch sử dân tộc sẽ gieo mầm trong thế hệ trẻ để chính lớp thanh niên này tiếp tục gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống quý báu của dân tộc qua nhiều thế hệ”.
Anh Lê Công Hùng, Phó Bí thư phụ trách Thành Đoàn Đà Nẵng
Anh Lê Xuân Thành - Bí thư Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn đánh giá, dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng hành trình trò chơi lớn “Đến với địa chỉ đỏ - Khám phá Di sản văn hóa” đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với các bạn trẻ. Song song với hành trình trò chơi lớn, Quận Đoàn phát động cuộc thi “Xây dựng video giới thiệu di tích văn hóa - địa chỉ đỏ” và nhận được nhiều bài dự thi chất lượng, có thể sử dụng để tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, lịch sử địa phương trên mạng xã hội.
|
Sân khấu hô hát bài chòi lần đầu được mang vào trò chơi lớnẢnh: Giang Thanh |
“Thời gian tới, Quận Đoàn sẽ chú trọng lồng ghép, kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống trong các hoạt động để thu hút đoàn viên, thanh niên quan tâm đến những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng là cách đa dạng hóa, làm hấp dẫn thêm các sân chơi thanh niên để tập hợp đông đảo các bạn trẻ, tạo môi trường để các bạn củng cố vốn hiểu biết, vốn văn hóa và rèn dũa các kỹ năng”, anh Thành nói.
Thời gian qua, Thành Đoàn Đà Nẵng và các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho đoàn viên, thanh niên, ứng dụng chuyển đổi số để phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương cũng như tuyên truyền, giáo dục thanh niên về những giá trị bản sắc, hồn cốt của dân tộc. Nổi bật là sân chơi nghệ thuật thanh niên diễn ra vào thứ 6 hằng tuần ở Công viên bờ Tây Cầu Rồng; các hoạt động đưa nghệ thuật truyền thống như tuồng, bài chòi xuống phố, vào trường học, khu dân cư; “số hóa” các di tích lịch sử, văn hóa địa phương; quảng bá các làng nghề truyền thống trên mạng xã hội…
Anh Lê Công Hùng - Phó Bí thư phụ trách Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, thông qua nhiều hoạt động, chương trình, các yếu tố lịch sử, văn hóa địa phương được lồng ghép khéo léo, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, nghiên cứu và có những hành động cụ thể để góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống.
Theo TP