Đưa mãng cầu xiêm lên ngôi

(CTG) Tận dụng thế mạnh của địa phương, chàng trai vùng sâu tỉnh Đắk Lắk đang từng bước tạo ra sản phẩm đặc sản của vùng đất anh sống. Qua đó, góp phần thúc đẩy giá trị hàng nông sản, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, anh Nguyễn Tuấn Linh (SN 1991, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) luôn mong muốn làm giàu trên chính quê hương.

Trước đó, anh Linh làm nghề điện công nghiệp, sau chuyển sang làm nhân viên kinh doanh cho công ty chuyên bán máy móc thiết bị trong ngành chế biến thủy sản và nông sản. Anh nhận thấy nhiều nhà máy chế biến trái cây được xây dựng, nông dân tại các địa phương đó không lo ngại về đầu ra mà bán sản phẩm trực tiếp cho nhà máy chế biến.

Trong khi đó vùng đất Tây Nguyên vốn giàu nguyên liệu trái cây nhưng người dân ở đây luôn rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Chính quãng thời gian làm nhân viên kinh doanh là bước ngoặc quan trọng để anh và vợ quyết định thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của riêng mình.

Đưa mãng cầu xiêm lên ngôi ảnh 1

Dự án “Chế biến trà mãng cầu xiêm” đoạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022

Anh Tuấn Linh chia sẻ, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe ngày càng tăng. Trà mãng cầu là sản phẩm mới và có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt thơm ngon, dễ sử dụng và phù hợp với những người thích sản phẩm thuần tự nhiên và thanh lọc cơ thể. Quả mãng cầu có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như: kẹo mãng cầu, nước ép…nên dễ dàng tiếp cận được với các nhóm khách hàng khác nhau

Anh nhận thấy, địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào. Cuối năm 2020, vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp với dự án “Chế biến trà mãng cầu xiêm”. Những trái mãng cầu được anh thu mua trực tiếp từ bà con nông dân nên đảm bảo về số lượng và chất lượng của sản phẩm.

Sản phẩm trà mãng cầu không sử dụng bất kì hóa chất, chất bảo quản nào, 100% tự nhiên. Được chế biến và bảo quản tốt với công nghệ sấy đặc biệt khép kín nên đã tạo nên một sản phẩm thơm ngon và giữ nguyên được hàm lượng chất dinh dưỡng có trong sợi trà”, anh Tuấn Linh cho hay.

Theo anh Tuấn Linh, bà con nông dân được tập huấn kỹ về kỹ thuật canh tác, thời điểm thu hoạch và kiểm tra độ già của quả mãng cầu. Trà mãng cầu Tây Nguyên được mọi người đón nhận và đánh giá cao là loại trà được sản xuất từ những quả mãng cầu đủ độ già, dần dần xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường về chất lượng và mẫu mã.

 
Đưa mãng cầu xiêm lên ngôi ảnh 2

Anh Tuấn Linh bên sản phẩm trà mãng cầu xiêm

Sản phẩm trà mãng cầu xiêm được UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá và công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hiện tại, mỗi năm, công ty anh có doanh thu từ trà mãng cầu khoảng 700 triệu đồng.

Năm 2022, dự án “Chế biến trà mãng cầu xiêm” đoạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk. Năm 2023, dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023” sắp tới diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng.

Theo TP