'Gặp mặt ông mai, bà mối' phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết

(CTG) "Dân vận khéo - thôn không có nạn tảo hôn", hội nghị "Gặp mặt ông mai, bà mối"... là một trong những mô hình, giải pháp thực hiện phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết được chia sẻ tại diễn đàn trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

 

'Gặp mặt ông mai, bà mối' phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh 1

Diễn đàn "Nâng cao chất lượng công tác giáo dục của Đoàn".

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai lần thứ XIV nhiệm kỳ 2022 - 2027, ngày 28/7, các đại biểu đã tham gia tại Diễn đàn "Nâng cao chất lượng công tác giáo dục của Đoàn".

Các ý kiến đã tập trung trao đổi về hiện trạng, giải pháp về công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng; học tập và làm theo lời Bác; các mô hình, giải pháp phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

'Gặp mặt ông mai, bà mối' phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh 2

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Anh Giàng Chúng Sang - Phó Bí thư Huyện Đoàn Si Ma Cai chia sẻ về việc phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Theo anh Sang, tảo hôn đã để lại nhiều hệ luỵ đối với chính người trong cuộc, gia đình và các địa phương vùng cao, biên giới. Thực tế cho thấy, vì tảo hôn, nhiều em đang trong tuổi đến trường phải bỏ học giữa chừng, dang dở tương lai phía trước. Thậm chí, nhiều trường hợp bế tắc, nghĩ quẩn sau khi cưới vợ gả chồng mà có em tìm đến cái chết.

Theo số liệu Phòng Dân tộc, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống huyện Si Ma Cai, 5 năm qua huyện này có hơn 390 trường hợp tảo hôn, xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 70 triệu đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 36 trường hợp tảo hôn.

'Gặp mặt ông mai, bà mối' phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh 3

Anh Giàng Chúng Sang (ở giữa ảnh) chia sẻ về phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Anh Sang cho biết, thời gian qua, Huyện Đoàn đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương huy động nguồn lực triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Trong đó, các cơ sở Đoàn triển khai Đề án "Giám thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" trên địa bàn huyện... Nhiều mô hình đã được triển khai như "Dân vận khéo - thôn không có nạn tảo hôn", hội nghị "Gặp mặt ông mai, bà mối"...

Anh Sang đề nghị cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nhiều hình thức trực quan, sinh động.

Đổi mới, tổ chức các hội nghị bàn giải pháp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã, thôn. Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là "ông mai bà mối", người có uy tín trong cộng đồng, trưởng dòng họ trong phòng chống tảo hôn...

'Gặp mặt ông mai, bà mối' phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh 4

Bạn Nguyễn Ngọc Hà - đại biểu trẻ nhất tham dự Đại hội chia sẻ tại diễn đàn.

Tạo môi trường giáo dục truyền thống, lịch sử

Bạn Nguyễn Ngọc Hà (SN 2006, THPT số 1 Sa Pa) là đại biểu trẻ nhất Đại hội, bày tỏ sự quan tâm tới việc dạy và học môn lịch sử. Nhiều phụ huynh, học sinh và không ít giáo viên cho rằng, lịch sử là môn học thuộc, không phải tư duy quá nhiều; lên lớp chỉ là đọc và chép. Do đó, việc học lịch sử không có nhiều sự đổi mới trong cách tiếp cận, truyền đạt dẫn đến khô cứng, khó tạo cảm hứng.

Bên cạnh đó, các ngành "hot" hiện nay lại không mấy liên quan đến lịch sử, cũng như học ngành lịch sử không nhiều cơ hội việc làm mà nhiều người trẻ thiếu mặn mà theo đuổi.

Đại biểu trẻ này mong muốn việc dạy và học lịch sử cần có thêm nhiều nội dung và hình thức hấp dẫn, tạo cảm hứng cho người trẻ tìm hiểu. Bên cạnh ngành giáo dục, tổ chức Đoàn cần quan tâm, có thêm nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống dân tộc, giáo dục lịch sử cuốn hút người trẻ tham gia.

Cùng quan tâm tới việc giáo dục truyền thống và dạy - học Lịch sử, nhiều ý kiến đề xuất tổ chức Đoàn phát động các cuộc thi để tạo động lực tìm hiểu, thi đua trong đoàn viên thanh niên; tăng cường bồi dưỡng lý luận cho thanh niên ngay trên nhà trường phổ thông và việc xem xét kết nạp đoàn viên ưu tú.

Theo TP