Như khi có thông tin đứt thang máy ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM gây xôn xao dân mạng, giới sinh viên liên tục để lại những bình luận: "Thử thách đi thang bộ 1 tháng. Gét gô", "Thử thách nói không với thang máy KTX. Gét gô".
Rồi khi Sơn Tùng M-TP phát hành sản phẩm âm nhạc mới. Không ít người hâm mộ của nam ca sĩ này đã kêu gọi nhau: "Cày view cho MV này thôi. Gét gô", "Cùng đưa MV này lên top trending thôi. Gét gô".
Và trong vô số những status (trạng thái), comment (bình luận)... trên Facebook, cụm từ "gét gô" xuất hiện rất nhiều. Trong bất kỳ trường hợp, hoàn cảnh nào, "gét gô" cũng được dân mạng chèn thêm cụm từ "gét gô".
Như Trần Quý Phương, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã viết lên Facebook: "Soạn đồ đi Đà Lạt thôi những người bạn của tôi ơi. Gét gô".
Còn Lâm Quý Doanh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế thì chia sẻ trạng thái trên mạng xã hội có lượng người dùng cao nhất thế giới: "Sắp được nghỉ lễ, đi coi phim thả ga rồi. Gét gô".
Nếu ai đó thắc mắc "gét gô" là gì mà được sử dụng phổ biến và lan tràn như thế? Cần trả lời ngay, "gét gô" chính là cách phát âm... sai của từ "let's go" trong tiếng Anh. "Gét gô" có nghĩa là "đi nào".
Và sở dĩ "gét gô" bỗng nhiên trở thành cụm từ "gây sốt", có sức hấp dẫn đặc biệt với dân mạng, khiến nhiều người "mê như điếu đổ"? Thực tế, người đầu tiên "khởi xướng" cho trào lưu "gét gô", hay nói chính xác là... phát âm sai từ "let's go" thành "gét gô" chính là một tiktoker có tên Tới trời thần. Người này đăng video trên TikTok cho biết bản thân sẽ thực hiện thử thách nằm 6 ngày 6 đêm dưới bãi sình. Đồng thời hô hào quyết tâm chinh phục thử thách bằng câu chốt đầy tự tin: "gét gô".
Video hài hước, kèm cách phát âm sai đã khiến dân mạng cười nghiêng ngả. Để rồi "gét gô" lập tức thành trend mà dân mạng, đặc biệt là giới trẻ không thể bỏ lỡ. Từ đó, "gét gô" phủ sóng trên mạng xã hội.
Đây không phải là lần đầu tiên một cụm từ bỗng nhiên thành trend "hớp hồn" dân mạng. Suốt thời gian qua, những cụm từ như: "tới công chuyện", "ét ô ét", "u là trời"... cũng từng "làm mưa làm gió" trên Facebook.
Bắt trend một cách tích cực
Thay vì đưa ra một thử thách phi thực thế thì Nguyễn Ánh Ngọc, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lại mượn trend này để đưa ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân. Cô thử thách bản thân trong 6 ngày 6 đêm phải tập thể dục đều đặn và ăn uống khoa học để nhận thấy sự thay đổi của cơ thể.
Nguyễn Ánh Ngọc đặt ra thử thách 6 ngày 6 đêm tập thể dục và ăn uống khoa học NVCC |
“Thay vì đặt những mục tiêu phi thực tế thì các bạn hãy đưa ra thử thách mà mình có thể làm được nếu cố gắng. Việc ăn uống khoa học và tập thể dục đều đặn trong 6 ngày 6 đêm chắc chắn sẽ giúp mình khỏe mạnh hơn. Tôi cũng có thể tự tạo ra trend cho bản thân khi đưa ra thử thách tập thể dục trong 365 ngày chẳng hạn”, Ngọc chia sẻ.
Là một giáo viên dạy tiếng Anh nên Nguyễn Trần Mẫn Châu (23 tuổi, cựu sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM) sẽ cho những học viên của mình bắt trend bằng việc học từ vựng trong 6 ngày 6 đêm.
Nguyễn Trần Mẫn Châu đưa ra thử thách 6 ngày 6 đêm học 200 từ vựng cho học viên của mình
NVCC |
“Đây là một trào lưu thú vị mang lại niềm vui cho những người trẻ. Ngoài việc chỉ bắt trend để giải trí, đặt ra những thử thách hoang đường thì tại sao các bạn không thử đặt ra những thử thách khó nhưng mang lại giá trị cho bản thân. Chẳng hạn, bạn có thể đặt thử thách học 200 từ vựng mới trong 6 ngày 6 đêm… gét gô”, anh Châu chia sẻ.
theo TN