Vì hạnh phúc chung của gia đình
Chị Lê Thị Trâm Anh (29 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) và chồng là đại úy Trịnh Văn Ngọc (33 tuổi, công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đã kết hôn được 7 năm. Trước đó, hai người có thời gian yêu xa khá lâu mới quyết định về chung một nhà.
"Khi yêu xa, cứ 2 - 3 ngày chúng tôi lại viết thư kể chuyện gia đình, cuộc sống, tâm tư, mơ về tương lai của cả hai để chia sẻ, động viên nhau cùng cố gắng. Thời gian đó kéo dài 6 năm", anh Ngọc kể.
Vì đặc thù công việc, sau khi kết hôn, thời gian anh Ngọc ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Chị Trâm Anh tự tay lo mọi thứ, từ việc chăm sóc, nuôi dạy con cái đến bếp núc nhà cửa, quan tâm, san sẻ với ông bà nội ngoại hai bên.
Khi sinh con, cả hai lần anh Ngọc chỉ ở nhà đúng 10 ngày, sau đó lại vào đơn vị, không thể chăm sóc vợ. Lần khác, anh lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1 trong 2 năm, chị Trâm Anh và con lại tự đùm bọc nhau mà không có người thân nào bên cạnh giúp đỡ.
Vất vả là vậy, nhưng chị chưa một lần than thở. "Mình thương chồng ở điểm hiền lành, chịu khó, có chí tiến thủ. Ngay từ những lần tiếp xúc, nói chuyện với nhau đầu tiên, anh thật thà, cho mình cảm giác an toàn mỗi khi ở bên, là bờ vai vững chắc để nương tựa", chị Trâm Anh chia sẻ và nói những lúc chồng về nhà nghỉ phép, chị hầu như không phải "đụng tay vào bất cứ thứ gì" vì có anh Ngọc san sẻ hết, từ việc nấu ăn, dọn nhà, đưa con đi chơi.
Còn anh Ngọc quan niệm: "Yêu thương là chưa đủ, cần phải tôn trọng ý kiến của nhau. Quan trọng nhất phải biết hy sinh lợi ích của bản thân mình vì lợi ích của gia đình, đó là điều cao cả nhất".
Đối thoại bình đẳng, tôn trọng nhau
Cũng có mối tình bền chặt như cặp đôi nói trên, anh Nguyễn Lê Trung Hiếu (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (34 tuổi), ngụ Tỉnh lộ 10, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM đã về chung nhà được 7 năm và đang có cuộc sống hạnh phúc cùng cha mẹ và hai con gái nhỏ.
Anh Hiếu hiện công tác tại Quận đoàn Bình Tân, còn chị Phượng là nhân viên một tập đoàn tài chính của Hàn Quốc. "Hai người có môi trường làm việc khác nhau nhưng vợ chồng thông cảm, chia sẻ, động viên để cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, vừa xây dựng gia đình hạnh phúc", anh Hiếu nói.
Từng là bạn hồi đại học của nhau, sau đó hẹn hò 4 năm rồi mới kết hôn nên giữa anh Hiếu và vợ có cách đối thoại bình đẳng, hòa hợp với nhau về quan điểm sống, phương pháp nuôi dạy con cái.
"Mình thường gọi vợ là Phượng, còn cô ấy gọi mình là Hiếu, cảm xúc bình đẳng cũng xuất phát từ đó. Cách gọi cho cảm giác hai người giống như bạn đời. Có vấn đề gì, đôi bên dựa trên tinh thần tôn trọng để chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu", anh Hiếu cho biết.
Do tính chất nghề nghiệp, đôi khi anh Hiếu bận cả tuần ở cơ quan và ít có thời gian choàng gánh công việc với vợ. Đưa con đi học sáng tối, đi chơi cuối tuần hay chăm sóc gia đình, chị Phượng lo hết, vừa cố gắng duy trì, đảm bảo kế hoạch, lịch làm việc ở công ty.
"Với mình, gia đình là nhất. Còn chồng xem công việc cũng quan trọng tương đương. Ngay từ đầu, cả hai thống nhất chia sẻ việc trong ngoài để cân đối. Đôi khi có những điều vượt giới hạn, mình không quá nóng giận vì trước đó đã tìm hiểu, trao đổi dựa trên sự tôn trọng dành cho nhau", chị Phượng chia sẻ và cho biết anh Hiếu luôn là người chủ động đứng ra xin lỗi trong những lần "cơm không lành, canh không ngọt".
Không cách lòng
Đó là cách mà chị Hoàng Đào Nhật Ánh (24 tuổi, nhân viên marketing) và anh Lê Duy Vũ (34 tuổi, kỹ sư bay trực thăng, làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu), chia sẻ bí quyết cùng nhau giữ lửa hạnh phúc.
Khoảng cách 10 tuổi giữa chị Ánh và chồng tưởng chừng sẽ làm nảy sinh nhiều khác biệt, tuy nhiên khi tiếp xúc lâu dài, tính cách trẻ trung của anh Vũ đã mang đến cho chị một nguồn năng lượng tích cực.
Anh Vũ bày tỏ: "Tôi thương vợ vì cô ấy tốt bụng, thiện lành, là động lực để tôi cố gắng xây dựng gia đình nhỏ mỗi ngày". Vì công việc liên quan đến yếu tố kỹ thuật và an toàn bay, có những ca trực xuyên đêm, nhiệm vụ đột xuất, anh Vũ đều để gia đình cho chị Ánh chăm nom, kế hoạch chung của cả hai cũng bị ảnh hưởng. Nhưng mỗi khi hoàn thành xong nhiệm vụ, anh trở về nhà, cố gắng quán xuyến việc trong gia đình thay vợ. Còn chị Ánh cho biết mỗi lúc chồng không có mặt ở nhà thường xuyên, chị không thấy hụt hẫng hay buồn tủi mà lại thông cảm và yêu thương anh Vũ hơn.
Chị kể: "Trong 5 năm yêu xa, khi mình làm việc và học tập tại TP.HCM, anh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đều đặn mỗi tuần đi thăm mình. Dù yêu xa nhưng không hề cách lòng chút nào. Từ đó cho đến nay, sự tử tế của chồng khiến mình luôn trân trọng những gì anh đã làm cho mình".
Chương trình "Gia đình trẻ hạnh phúc" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức để tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên.
Theo TN